May 10 linh hoạt sống chung với Covid-19

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là DN sử dụng hàng nghìn người lao động, chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh, song vượt qua khó khăn, DN đã chứng minh bản lĩnh khi học cách sống chung với Covid-19 bằng việc linh hoạt chuyển đổi sản xuất, ứng dụng CNTT... để duy trì hoạt động kể cả khi dịch bệnh bùng phát phức tạp, cũng như sẵn sàng "đóng, mở" trong trạng thái bình thường mới.

 Công nhân May 10 nỗ lực làm việc đồng hành cùng DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thanh Hải
Nỗ lực trong khó khăn

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt tâm sự, May 10 có trụ sở chính tại quận Long Biên, Hà Nội và các nhà máy ở 7 tỉnh, thành nên trong giai đoạn giãn cách khi dịch bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Thực hiện Chỉ thị 16, chúng tôi nâng mức cảnh báo dịch lên gần như cấp độ cao nhất nên người lao động sẽ bị ảnh hưởng trong quá trình đi lại làm việc" - ông Thân Đức Việt nói.

Gần 2 năm qua, dịch lúc bùng phát diện hẹp, lúc bùng phát diện rộng khiến các DN luôn ở trạng thái "đóng, mở'. May 10 tại Hà Nội và chi nhánh tại Quảng Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng và năm nay mở rộng thêm cả Hà Tĩnh và Thái Nguyên cũng không ngoại lệ. Để thích nghi với tình hình mới, chiến lược của May 10 từ năm 2020 là chủ động, linh hoạt, áp dụng công nghệ làm việc từ xa trong thực hiện các kế hoạch sản xuất, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu đi những nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Xác định là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của hàng may mặc thời trang toàn cầu, theo ông Thân Đức Việt, sản phẩm may mặc thời trang là một mặt hàng đặc thù theo mùa vụ. Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3 - 6 tháng, kể từ khi có dịch thì triển khai kế hoạch theo tuần, thậm chí là ngày.

Để làm được điều đó, May 10 huy động những người lao động có thể làm thêm giờ hàng ngày, hoặc có thể là làm thêm một vài Chủ nhật trong tháng bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước, nỗ lực hoàn thành những đơn hàng cho khách nhập khẩu lớn.

Xác định nhu cầu mua sắm trên thị trường giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh, để nhanh chóng phục hồi sau giãn cách, May 10 đã tập trung đầu tư thiết kế và cho ra mắt thị trường một bộ sưu tập với kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt để kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, May 10 cũng chuẩn bị sẵn nguồn hàng cung ứng đủ cho gần 200 cửa hàng, đại lý, trung tâm thời trang trên toàn quốc.

Sản xuất an toàn là số 1

Hiện, Chính phủ đã xác định là "sống chung với dịch'. Chia sẻ về câu chuyện này ông Thân Đức Việt cho rằng, các phương pháp và phương án, kịch bản bảo vệ phòng, chống dịch là yếu tố quyết định sự duy trì sản xuất ổn định nên May 10 hoàn toàn không lơi là chủ quan mà thậm chí khi Hà Nội và một số tỉnh, thành bắt đầu nới lỏng thì May 10 vẫn tiếp tục thắt chặt.

Hiện, người lao động May 10 tại Hà Nội đã được tiêm mũi 1 khoảng trên 90% và mũi 2 trên 30%. Nhưng ở những tỉnh, thành khác như Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Ninh... người lao động gần như chưa được tiêm vaccine mũi 1.

"Nếu xuất hiện F0 trong May 10 thì chắc chắn phải đóng cửa nhà máy một vài ngày để xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng cách ly và sau đó mới có thể duy trì sản xuất. Việc gián đoạn sản xuất 1 - 3 ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Vì vậy, May 10 luôn tuyên truyền nghiêm túc việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc để đảm bảo an toàn sản xuất" - vị doanh nhân này nói.

Dù có quy định ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong các DN, Chính phủ cũng đang nỗ lực để tìm nguồn, nhưng do khan hiếm nên bài toán tiêm vaccine vẫn còn khá nan giải. Nếu không phủ nhanh vaccine để đưa người lao động trở lại làm việc thì sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực và kịch bản khó khăn vẫn sẽ lặp lại.

"Đơn cử những tỉnh, thành hiện nay là nguy cơ thấp, nhưng nếu có một ca F0 trong May 10 thì lại trở thành nguy cơ cao. DN lại ở trong trạng thái đóng mở bất kỳ lúc nào. Vì vậy, DN chỉ mong sớm tiêm đủ liều vaccine cho người lao động phần nào yên tâm sản xuất, kinh doanh" - ông Thân Đức Việt kiến nghị.
Chiến lược của May 10 là luôn chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu. Bởi không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng có tình trạng như vậy, nếu không tính kỹ, phù hợp với sự "đóng, mở" của các nhà nhập khẩu rất dễ vỡ các hợp đồng...

Tổng Giám đốc Thân Đức Việt