Từ đỉnh cao xuống vực sâu
Còn nhớ, đúng thời điểm này năm ngoái khi Bitcoin đạt mức giá kỷ lục 68.000 USD, đồng tiền này cũng hàng loạt các loại tiền số khác đã được hầu hết các chuyên gia và nhà đầu tư tung hô khi coi đây chính là tương lai của tiền tệ. Kéo theo đó là dòng tiền khổng lồ được đổ vào thị trường tiền ảo nhằm hiện thực hóa tương lai này.
Tuy nhiên, chỉ đúng 12 tháng sau, mọi thứ đã quay ngoắt 180 độ, từ tương lai thành thảm họa hay từ ngữ có thể mô tả chính xác nhất là từ đỉnh cao lao thẳng xuống vực sâu. Chỉ trong quãng thời gian ngắn, hầu hết các loại tiền số đều mất tới 3/4 giá trị, điều này kéo tổng giá trị thị trường tiền ảo xuống chỉ còn 900 tỷ USD từ mốc 3.000 tỷ USD.
Chỉ trong năm 2022, thị trường tiền số đã chứng kiến nhiều cú sốc “cực lớn” thổi bay tới hàng nghìn tỷ USD. Trong khi “thảm kịch” lớn nhất trong giới khi tiền ảo Luna với 40 tỷ USD bị bốc hơi còn chưa hạ nhiệt thì sàn tiền số lớn thứ ba thế giới FTX chính thức tuyên bố phát sản hôm 11/11 vừa qua. Đây được xem là lời báo hiệu cho một mùa đông "băng giá" đã bắt đầu bao phủ lên lĩnh vực tiền ảo.
Sự sụp đổ của một trong những đế chế lớn mạnh nhất thị trường tiền mã hóa FTX đã kéo theo hàng loạt hệ quả thảm khốc khác. Hầu hết các loại tiền ảo mạnh đều mất giá, Bitcoin giảm 20% giá trị, Ethereum giảm 22%, MicroStrategy giảm 32%… Dự kiến đà giảm này còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Hàng loạt các quỹ đầu tư đã từng mạnh tay rót vốn vào tiền ảo cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Có thể kể đến như quỹ Multicoin Capital bị mắc kẹt một lượng lớn tiền ảo trên FTX có giá trị lên tới tỷ USD, với quỹ Chain Protocol thì con số này rơi vào khoảng 8 chữ số. Bên cạnh đó là các quỹ thiệt hại nhỏ hơn như Sequoia mất khoảng hơn 200 triệu USD, Genesis là khoảng 180 triệu USD hay Ontario là 95 triệu USD…
Trong đó cay đắng nhất là BlockFi, một tổ chức cho vay thông qua tài sản đảm bảo bằng tiền ảo, có quan hệ mật thiết với FTX. Nếu năm 2021, BlockFi được định giá là 5 tỷ USD thì tới hiện tại, sau sự cố của FTX, con số này chỉ còn là 500 triệu USD.
Với việc các quỹ đầu tư lỗ nặng sau vụ việc Luna và giờ là FTX, theo nhiều chuyên gia, khả năng lớn là trong thời gian tới, dòng tiền đổ vào thị trường tiền ảo sẽ giảm mạnh, thậm chí đóng băng một thời gian dài. Điều này chắc chắn cũng xảy ra ở các lĩnh vực có quan hệ với tiền ảo như Blockchian, GameFi…
Cũng chính sự sụp đổ của FTX đã phơi bày hàng loạt "lỗ hổng" của thị trường tiền ảo và đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới không coi tiền số là một loại tài sản có giá trị.
Có thể kể đến như tiền của nhà đầu tư bị sử dụng với các mục đích mà họ không hề biết hoặc có biết nhưng không có quyền can thiệp. Đây chính là câu chuyện ở FTX khi CEO của sàn này là Sam Bankman-Fried đã mang hàng tỷ USD để cứu các công ty tiền số khác nhưng đều thua lỗ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến FTX sụp đổ.
Bên cạnh đó, một loại tiền ảo hoặc sàn tiền ảo dù mạnh mẽ đến đâu cũng hoàn toàn có thể bị đánh sập trong vài ngày nếu có “cá mập” nhúng tay. Minh chứng là chỉ với vài dòng trên Twitter của Changpeng Zhao, CEO Binance về việc sẽ bán toàn bộ FTT (đồng tiền được phát hành bởi FTX) trị giá khoảng hơn 2 tỷ USD đã “thổi bay” 6 tỷ USD của FTX trong vòng 72 giờ và mở ra hoàn cảnh thảm hại như hiện tại.
Với những câu chuyện đã và đang xảy ra cho thấy không có gì là vĩnh viễn đối với tiền ảo. FTX từ một sàn có tổng giá trị giao dịch lên tới 700 tỷ USD trở về con số 0 chỉ trong 1 tuần. Hay CEO của nó Sam Bankman-Fried từ một người tích cực làm việc với nhà lập pháp Mỹ về việc vận hành sàn tiền số theo luật pháp nay lại bị phá sản và đối mặt với nhiều cáo buộc pháp lý.
Pháp luật không bảo vệ nhà đầu tư
Tính tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư tại các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã bị chặn rút hoặc chuyển tiền số của mình tại FTX. Đây thực sự là thảm họa vì đây là sàn tiền ảo lớn thứ 2 mà người Việt tham gia, chỉ sau Binance.
Anh Hoàng Duy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mình còn mắc kẹt khoảng hơn 4.000 USD trên sàn FTX. Số tiền này được anh Duy sử dụng để mua Ethereum và Bitcoin nhưng đã không thể rút ra được từ hôm 8/11. Theo anh Duy, đến nay anh phải xác định trước là số tiền đó có thể mất trắng.
Còn anh Phạm Nam (Tây Hồ, Hà Nội) cũng thừa nhận mình là một trong những nạn nhân của FTX khi không thể rút ra hay chuyển đổi tài khoản trị giá 10.000 USD của mình tại sàn này. Hiện tại anh Nam đã rút hết tiền số ở các sàn khác để chuyển về Binance đề phòng sự cố khác có thể xảy ra.
Như vậy, có thể thấy thái độ của nhà đầu tư Việt nói riêng và cũng là của nhà đầu tư quốc tế nói chung là cam chịu. Họ sẵn sàng đổ cả đống tiền vào các loại tiền ảo với hy vọng đổi đời nhưng nếu gặp sự cố họ cũng sẵn sàng chấp nhận mất trắng và coi đó là "xui xẻo".
Sở dĩ các nhà đầu tư tiền áo đã chuẩn bị trước tâm lý cũng có lý do của nó, bởi trên thế giới chưa từng có tiền lệ nhà đầu tư được giải quyết và hoàn trả lại số tiền họ bị kẹt trên sàn tiền ảo. Đơn cử như 2 sàn Voyager Digital và Celsius Network bị phá sản từ đầu năm nay nhưng tới giớ vẫn không có gì chắc chắn về việc họ sẽ nhận được tiền ảo mà mình lưu trữ tại đây.
Không chỉ vậy, cũng tương tự như các mảng kinh doanh khác, nhà đầu tư đơn lẻ thường được coi là chủ nợ không đảm bảo. Do đó, nếu "kiện cáo" thì những nhà đầu tư này sẽ có sự ưu tiên thấp nhất, đứng sau các chủ nợ lớn như các quỹ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ gần như không còn gì nếu các khoản nợ của FTX được giải quyết.
Luật sư Lê Hằng (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo pháp luật Việt Nam, tiền ảo không được xem là một loại tài sản. Do đó, việc đầu tư, mua bán các loại tiền số sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho người tham gia. Những giao dịch tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Bên cạnh đó cũng vì chưa có quy định pháp luật rõ ràng về tiền ảo nên khi xảy ra các vụ tranh chấp dạng này sẽ gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết. Do đó các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng khi rót tiền vào lĩnh vực này - Luật sư Hằng đưa ra lời khuyên.