Rất nhiều câu chuyện khiến anh phải ám ảnh cả tuần, trong đó có nhiều người đến trường quay nhưng lại bỏ về vì không đủ can đảm nói lên sự thật cuộc đời mình.
"Người giấu mặt" lên sóng lúc 21 giờ 30 các tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần trên kênh ANTV bắt đầu từ tháng 1/2018. Là talk show truyền hình hiện đại, lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thủ pháp giấu mặt đối với nhân vật chính trong suốt toàn bộ chương trình.
“Người giấu mặt” là câu chuyện của một cô giáo trẻ, chuẩn bị sinh con gái đầu lòng thì phát hiện mình bị nhiễm HIV từ chồng, nhưng cô vẫn nỗ lực nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan; đó là nỗi đau của một người mẹ đi tìm công lý cho cô con gái khi bị một người đàn ông nhiễm HIV hãm hại; đó là cảm giác ấm áp trước sức mạnh tình yêu đã giúp một người đàn ông khỏe mạnh sẵn sàng vượt qua tất cả để cùng người bạn gái mắc bệnh hiểm nghèo xây dựng tổ ấm…
Ekip thực hiện chương trình cho biết, họ đã phải lăn lộn về các mọi miền của đất nước để thuyết phục các nhân vật dám nói lên câu chuyện của mình. Có những người sau khi được thuyết phục đã đồng ý nhưng đi nửa đường rồi lại bỏ về. Còn có nhân vật đến trường quay, nói chuyện được nửa chặng chương trình nói dối đi toilet rồi cùng một đi không trở lại.
Khác với một số chương trình, “Người giấu mặt” để cho những người trong cuộc tự kể, tự nói lên những nỗi đau mà mình từng gặp và trải qua, từ đó giúp họ tìm thấy “mầm xanh hy vọng” cho cuộc sống. Từ những câu chuyện này, người xem không chỉ có sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật mà còn có thể nhìn thấy những bài học về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bởi tính bảo mật nhân vật kể chuyện nên những người làm chương trình đã sử dụng ánh sáng mang tính phản chiếu để che khuôn mặt của người kể chuyện.
Nhưng cho dù với 1 người tự nhận làm chủ được cảm xúc, tỉnh táo, MC Lê Anh cũng cảm thấy ám ảnh cả tuần với câu chuyện của các nhân vật. Ví như một chị bị chồng tẩm xăng đốt bỏng hết toàn thân, biến thành dị dạng…
Những nỗi đau, góc khuất cuộc sống của nhân vật xuất hiện trong chương trình được khẳng định là sự thật, gây xúc động cho người xem. |
“Người giấu mặt” tưởng như là cuộc trò chuyện độc thoại của người dẫn chương trình với khán giả. Nhưng khi những tâm sự, chia sẻ của người giấu mặt được vang lên ở mảng tối của màn hình như sự độc thoại với chính mình, những cảm xúc thật nhất, những câu chuyện dường như chỉ chôn giấu trong lòng sẽ được bật trào thành nguồn cảm xúc lay động người xem. “Người giấu mặt” không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, địa vị.
Chia sẻ về chương trình, đại diện nhà sản xuất cho biết, bởi chương trình phát sóng trên kênh truyền hình Công an nhân dân, nên tất cả nhân vật tham gia đều được kiểm tra lý lịch bởi Tổng Cục Chính trị (Bộ Công an). Những nỗi đau, góc khuất cuộc sống của nhân vật đều là thật, không phải là hư cấu, bởi vậy khi nhân vật chia sẻ về mình, khán giả sẽ cảm nhận được độ chân thực của câu chuyện. Mục đích của chương trình là giúp cho khán giả khi xem sẽ có thêm bài học cảnh giác trước những mặt xấu của xã hội. Nhưng cũng hàm chứa nhiều tia sáng về bài học biết vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.