“Nâng như trứng, hứng như hoa” là thái độ chăm con tích cực hay tiêu cực của các bậc cha mẹ? Câu hỏi đó chắc chắn sẽ gây bàn cãi. TGTT mở diễn đàn “Yêu con hay hại con” từ một lời nhận xét của một chuyên viên tâm lý về cha mẹ hiện nay: “Họ yêu con vô điều kiện, nghĩa là không có việc gì họ không làm để tìm cách bảo dưỡng cho một đứa trẻ kể cả tinh thần lẫn thể xác. Họ không biết điều đó khiến đứa trẻ bị “giết chết” ngay từ trong trứng tính cách và bản lĩnh để làm con người bình thường”.
Câu chuyện thứ nhất: Cách đây vài tháng, một phụ huynh đang là quản lý cấp cao của một tập đoàn nổi tiếng tâm sự về đứa con gái bảy tuổi vốn xinh xắn, thông minh nổi trội so với bạn cùng lứa. “Cô ơi, không biết bé T. K. học ở đâu mà dám nói: “Mẹ là người không biết nuôi con!”, chỉ vì bé muốn đi ăn gà rán mà chiều hôm đó nhà có việc nên mẹ không đưa đi được. Lâu nay có gì nó muốn mà tôi tiếc đâu, vậy mà giờ nó lại quát vào mặt mình một câu như vậy!”
Câu chuyện thứ hai: Một ông bố đưa đến trường chúng tôi một bé trai năm tuổi nhờ “chẩn đoán”. Cậu bé chỉ có thể ê a những từ rời rạc. Nhưng hễ đòi cái gì mà không được đáp ứng, bé lại la hét và quăng ném tất cả những gì xung quanh một cách dữ tợn. Gắng mãi mới có được một đứa con nên vợ chồng anh giữ bé rất kỹ.
Không cho bé không đi mẫu giáo mà ở nhà với bà nội và cho bé xem các bộ băng đĩa dạy bé thông minh sớm. Sợ bé ra ngoài nhiều dễ lây bệnh. Khi bé sắp vào lớp 1, cả nhà mới đưa bé đến trường cho quen, nhưng trường nào được vài hôm cô giáo lại trả về vì “không thể dạy được”. Bác sĩ nói là bé không tự kỷ hay tăng động, gia đình rất hoang mang không hiểu bé “bị gì”.
Hai câu chuyện để tôi minh hoạ cho một số “tác dụng phụ không mong muốn” từ việc “quá đỗi yêu con” của cha mẹ. Câu chuyện thứ nhất cho thấy sự đáp ứng thừa mứa các nhu cầu của trẻ không hẳn đồng nghĩa với việc trẻ sẽ biết trân trọng những gì nó có. Câu chuyện thứ hai, sự bảo bọc một cách thái quá cũng không đảm bảo giúp trẻ phát triển tốt nhất.
Vậy thì yêu con sao mới đúng?
Nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng thế giới Maria Montessori từng nói: “Mọi sự trợ giúp trẻ không cần thiết đều là hành vi cản trở quá trình phát triển của nó”.
Tìm hiểu và tôn trọng lộ trình phát triển tự nhiên của con: sự xuất hiện ồ ạt các trào lưu dạy con theo các trường phái Nhật, Do Thái, dạy con thông minh sớm… tạo ra nhiều lệch lạc. Cần hiểu rằng không có phương pháp nào tuyệt đối hoàn hảo và tuyệt đối đúng cho mọi đứa trẻ. Nếu hiểu được rằng những năm đầu đời là giai đoạn trẻ học hỏi thông qua việc khám phá thế giới xung quanh, hẳn ông bố trong câu chuyện thứ hai đã không “gói ghém” con quá mức như vậy. Chính sự hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài khiến bé khó phát triển ngôn ngữ. Khi không đủ ngôn ngữ để diễn đạt điều mình muốn, bé bị ức chế về tâm lý và có hành vi thái quá.
Cho con tự do, nhưng phải đi kèm với ý thức trách nhiệm: thế hệ cha mẹ mới 7X, 8X với cách nghĩ khác các cụ luôn mong muốn cho con mọi thứ tốt nhất, đặc biệt là sự tự do mà thế hệ mình bị thiếu thốn trước đây. Tuy nhiên, nếu để trẻ tự do theo nghĩa chiều theo mọi nhu cầu thì kết quả sẽ ngược lại. Ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ, cha mẹ cần đặt ra những giới hạn rõ ràng và công bằng và phải quyết đoán, nhất quán trong việc thực thi những giới hạn đó. Ví dụ, trẻ có thể tự do chọn giữa đọc cuốn truyện mình thích trước rồi đi học bài hay học bài xong rồi mới đọc truyện, nhưng không được tự do bỏ bê bài vở. Những lựa chọn như vậy giúp trẻ hiểu rằng những thứ mà trẻ có được ngày nay không phải tự dưng mà có sẵn, để chúng nhận ra trách nhiệm và lòng biết ơn với những người đã mang đến những điều đó cho mình.
Giúp con biết cách đối mặt với những điều “không dễ chịu” của cuộc sống: Chẳng hạn, dành thời gian dạy con những kỹ năng tự bảo vệ bản thân thay vì giữ chặt con trong nhà; kể cho trẻ nghe cả những tấm gương tốt – xấu trong cuộc sống chứ không chỉ có anh hùng, bà tiên… Trẻ sẽ thể hiện khả năng phân định và sẵn sàng đối mặt với những “mảng tối” của cuộc sống đó tốt hơn người lớn chúng ta tưởng.