Mê Linh tạo sức bật từ nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với toàn TP, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Mê Linh đã và đang trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, góp phần tạo dựng diện mạo ngày một tươi mới cho vùng đất ven bờ tả sông Hồng.

Khởi sắc nhờ nông nghiệp giá trị cao

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Mê Linh đã ban hành kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, vận dụng linh hoạt và có cách làm phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Mê Linh tạo sức bật từ nông thôn mới - Ảnh 1Để có được những thành công bước đầu trong xây dựng NTM của huyện, trước tiên, huyện đề ra kế hoạch huy động nguồn lực phù hợp với điều kiện kinh tế của Nhân dân. Coi trọng công tác tuyên truyền, tuyên truyền đi đôi với vận động để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Đồng thời, công khai minh bạch trong việc thực hiện các dự án thành phần của Đề án, có sự ưu tiên hỗ trợ về vật chất đối với các nơi làm tốt, tạo tính cạnh tranh, thi đua phấn đấu sớm hoàn thành công cuộc xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Xuân Trường
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh

Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt đi lại và sản xuất của Nhân dân. Trong đó, hệ thống đường giao thông - thủy lợi có nhiều thay đổi tích cực nhất. Nếu như trước khi xây dựng NTM, trên địa bàn huyện chỉ có 47,5% số ki lô mét đường giao thông được kiên cố hóa thì đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, tiêu chí này đã tăng lên 65%. Các xã đã cải tạo, nâng cấp được 154km kênh mương, nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương lên 41,8%.

Việc hoàn thành các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao, chất lượng tốt đã ra đời. Thành công nhất có thể kể tới dự án thí điểm xây dựng vùng sản xuất rau an toàn 20ha tại xã Tráng Việt. Theo đó, huyện hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, phân bón, nước tưới, trang bị các thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại nên năng suất cao, giá trị kinh tế đạt từ 150 - 250 triệu đồng/ha. Ngoài các loại rau màu, cây hoa cũng được huyện Mê Linh xác định là nông sản “mũi nhọn”. Đến nay, tổng diện tích hoa trên địa bàn huyện là hơn 1.200ha, trong đó có 487ha hoa hồng... Đáng chú ý, sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, đến nay, huyện có 109 hộ ở 3 xã: Tam Đồng, Liên Mạc, Tiến Thắng tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng chuối, cây cảnh, bưởi, vải, cây phật thủ, nuôi cá… với tổng diện tích 20,3ha; bước đầu cho thu hoạch tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5 - 7 lần. Có 5 hộ gia đình đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 4ha tại các xã: Tiến Thắng, Liên Mạc, Vạn Yên.

Nhờ linh hoạt, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên trong 4 năm, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao, hiện đạt khoảng 28 triệu đồng/năm, góp phần tích cực vào chuyển biến trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Cụ thể, tính đến hết quý I/2015, trên địa bàn huyện còn 1.212 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,54% (16/16 xã đã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo và giảm 2.409 hộ nghèo so với cách đây 4 năm). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường học, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư. Đến nay, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 33/74 trường, đạt 44,6%. Hiện, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến nay, 16/16 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95,8%; hàng năm, huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2.000 người, đào tạo được 6.109 lao động nông thôn. Nhờ những thành tích nổi bật đó, tính đến hết năm 2014, toàn huyện đã có 5/16 xã hoàn thành 100% các tiêu chí về xây dựng NTM.

Quan tâm chăm lo đời sống người dân

Những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh đạt được trong công tác xây dựng NTM, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND TP, sự vào cuộc chủ động, linh hoạt của các cấp ủy, chính quyền huyện, không thể không nhắc tới sự đồng thuận, chung tay góp sức của tất cả các tổ chức đoàn thể địa phương. Đơn cử như, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện với phong trào xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; làm tốt công tác vận động phụ nữ và Nhân dân tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Hội Nông dân huyện phối hợp với các ngân hàng, quỹ hỗ trợ giải quyết cho 12.794 lượt hộ viên vay vốn, với số tiền trên 92 tỷ đồng để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống…
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau sạch tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh.    Ảnh: Trọng Tùng
Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất rau sạch tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện đặc biệt chú trọng huy động các nguồn lực xã hội. Đến hết quý I/2015, tổng số vốn huy động được trong hơn 4 năm qua là trên 1.383 tỷ đồng, trong đó, vốn ngoài ngân sách (do tổ chức, DN, Nhân dân đóng góp) là gần 219 tỷ đồng. Những sự đồng hành tích cực này đã góp phần tạo dựng nguồn lực mạnh mẽ, làm tiền đề để huyện Mê Linh bứt phá, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu toàn TP về xây dựng NTM.

Cùng với phát triển kinh tế, việc nâng cao chất lượng đời sống cho người dân cũng được các cấp ủy, chính quyền huyện Mê Linh quan tâm, coi là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng. Bên cạnh những đầu tư có trọng điểm phục vụ hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế theo hướng chuẩn quốc gia và chất lượng cao, huyện đặc biệt chú trọng tới vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, trong 4 năm qua đã tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trên 536.000 lượt người. Tính đến quý I/2015, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đạt 99,8%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm còn 9,8%. Đã vận động quyên góp cho Quỹ bảo trợ trẻ em huyện được trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện tập trung thực hiện tốt chính sách đối với người có công; đã xây dựng, bàn giao 209 nhà tình nghĩa, nhà cho hộ nghèo, nhà đại đoàn kết với tổng trị giá trên 6,2 tỷ đồng. Quan tâm giải quyết việc làm cho hàng chục người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn... Nhờ làm tốt công tác an sinh xã hội mà hệ thống chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương nhiều năm qua luôn được giữ ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân cũng không ngừng được nâng cao.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM tới năm 2015, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Lưu Tiến Long nhấn mạnh, huyện sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng cho sản xuất; chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị cao; phối hợp với các sở, ngành hình thành nhiều vùng chuyên canh; tiếp tục ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tích cực vận động bà con nông dân, các tổ chức, DN tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM; phấn đấu đến hết năm 2015, huyện có thêm ít nhất 10 xã được TP công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chú trọng quan tâm, làm tốt công tác an sinh xã hội, xây dựng Mê Linh ngày một giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Dự kiến, Đại hội Đảng bộ huyện Mê Linh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015 - 2020) sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 2 - 4/8). Tại đại hội này, huyện sẽ tập trung đánh giá những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương 5 năm qua, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Mê Linh đến năm 2020. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7 - 8%; Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng (80 - 84%), nông nghiệp (8 - 10%), thương mại - dịch vụ (8 - 10%); Hoàn thành xây dựng NTM; Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...