Năm học 2018 - 2019, trẻ trên dưới 5 tuổi trên địa bàn xã Chu Phan sẽ được học trong ngôi trường mới khang trang, rộng đẹp đạt chuẩn Quốc gia. Đó là trường Mầm non xã Chu Phan với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Ngôi trường hứa hẹn mang tới điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh vùng giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc này. Đây cũng là một trong tổng số 18 trường học các cấp được huyện Mê Linh đầu tư xây mới và đưa vào hoạt động từ năm 2016 đến nay. Cùng với những ngôi trường mới, địa phương cũng tập trung nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Hiện, trong số 75 trường học các cấp trên địa bàn huyện, đã có 46 trường đạt chuẩn Quốc gia.
|
Nhà văn hóa thôn Chu Phan, xã Chu Phan, huyện Mê Linh được xây dựng mới khang trang, rộng đẹp. |
Từ năm 2016 đến nay, huyện Mê Linh cũng đưa vào sử dụng 28 công trình nhà văn hóa. Toàn huyện đã có 73/76 thôn có nhà văn hóa. Đối với 3 nhà văn hóa còn thiếu tại các thôn: Hoàng Xá, Hoàng Kim (xã Hoàng Kim) và thôn Cư An (xã Tam Đồng) cũng đã được bố trí vốn, gấp rút triển khai xây dựng.
Bên cạnh cơ sở vật chất văn hóa và giáo dục, hiện 16/16 xã của huyện đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Để đáp ứng việc đi lại thuận tiện, phục vụ sản xuất, kinh doanh cho người dân, từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Mê Linh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp trên 37km đường giao thông, 51km đường trục chính nội đồng. Xây dựng 1 trạm bơm tại xã Chu Phan, nâng cấp trên 22km kênh mương thủy lợi. Bên cạnh đầu tư, xây mới 3 trạm biến áp, cải tạo 38 trạm 250KV, huyện cũng đã cải tạo, thay thế 3.115km dây cáp ngầm, 60km đường dây trung thế, xây dựng 752 cột điện… bảo đảm cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ đời sống, sản xuất.
Chú trọng kiểm tra, giám sát Tính đến hết tháng 6/2018, thu nhập bình quân đầu người nông dân huyện Mê Linh đã đạt trên 38,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm còn khoảng 2,3%. |
Đánh giá theo căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mê Linh đã hoàn thành 7/9 tiêu chí “Huyện nông thôn mới”. Hai nhóm tiêu chí địa phương cơ bản đạt là giao thông và văn hóa - y tế - giáo dục.
Để có được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm của T.Ư, TP Hà Nội, phải ghi nhận sự chủ động trong triển khai thực hiện của địa phương. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết, từ năm 2016 đến nay, bên cạnh hơn 190 tỷ đồng ngân sách TP hỗ trợ đầu tư, địa phương đã bố trí trên 330 tỷ đồng vốn ngân sách của huyện và xã; đồng thời, huy động từ nguồn lực xã hội hóa được gần 360 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, công tác quản lý nguồn vốn hiệu quả giúp địa phương không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Huyện Mê Linh đang tập trung nguồn lực, phấn đấu trong năm 2018 sẽ có thêm 2 xã Hoàng Kim và Tự Lập về đích nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm là đẩy nhanh tiến độ các dự án nâng cấp hạ tầng, nhất là 2 trạm y tế tại các xã Chu Phan, Tráng Việt và nâng cấp đồng bộ, hướng tới nâng chuẩn Quốc gia cho 10 trường học các cấp… Đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của cộng đồng trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Ông Quang cũng cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình số 02, địa phương đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp chính quyền các cấp nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc thực hiện các mục tiêu đạt hiệu quả.