Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Mẹ luôn là quê hương!"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Con nhớ về ngôi làng chài nhỏ nằm ở hạ nguồn con sông Hãn, nơi đây đất trời đẹp như một bức tranh.

KTĐT -  Con nhớ về ngôi làng chài nhỏ nằm ở hạ nguồn con sông Hãn, nơi đây đất trời đẹp như một bức tranh. Mỗi độ tết đến, người người cột thuyền chài vào bờ nô nức như một bến cảng. Người ta bán cho nhau những sản vật cuối cùng của năm như cá tôm, củ sắn củ khoai, mớ dong hay vài cân gạo nếp để về nhà chuẩn bị cho tổ ấm của mình đón năm mới.

Bốn bề là nước, là gió, phía xa heo hút chỉ một màu mây trắng, biển xanh. Có một bầy chim chao liệng phía chân trời. Những đóa phong ba còn sót lại trắng muốt trên cành cao. Không một nhành đào, mai để nở, nhưng con biết bây chừ trời đang vào xuân.

Đảo bình yên, chỉ có con sóng bạc đầu là ngày đêm vỗ về ru giấc ngủ viên mãn cho những hàng phi lao và gềnh đá như một người chiến sỹ xông pha nơi đầu sóng gió. Cuối mùa đông nơi này gió chướng, con lại nhớ cái rét ngọt vừa cắt da cắt thịt nhưng lại rất đằm thắm ở quê mình. Mới đó mà đã hai mùa xuân con xa mạ và đến với hòn đảo nằm ngoài biển khơi này. Ở đây con không xa lạ, vì biết rằng trên những nẻo đường nhỏ bé của hòn đảo này có dấu chân của ba ngày xưa thời lửa đạn. Có lẽ những mùa xuân đi qua đây, ba cũng đã từng nhớ về quê hương đất liền bằng nghị lực và lòng bất khuất trước quân thù của người cầm súng.

Bên bếp lửa ấm, đồng đội thường kể cho nhau nghe về quê hương của mình. Tất cả có một điểm chung đều coi đảo xa, biển cả là quê hương thứ hai. Nhất là mỗi lần xuân về tết đến, mỗi đứa một trò để chuẩn bị cho cái không gian tết tuy đơn sơ nhưng ấm cúng. Vẫn bên bếp lửa hồng đượm, con được nghe kể về những vùng quê nghèo bình yên của đồng đội. Kể xong cả nhóm thường im lặng, cái thời khắc im lặng đó để cho mỗi người nhớ về một không gian của ngày xửa ngày xưa, đó là nỗi nhớ làm cho mỗi người ấm áp, yêu quê hương đất nước để vững chắc tay súng ngoài đảo xa.

Con nhớ về ngôi làng chài nhỏ nằm ở hạ nguồn con sông Hãn, nơi đây đất trời đẹp như một bức tranh. Mỗi độ tết đến, người người cột thuyền chài vào bờ nô nức như một bến cảng. Người ta bán cho nhau những sản vật cuối cùng của năm như cá tôm, củ sắn củ khoai, mớ dong hay vài cân gạo nếp để về nhà chuẩn bị cho tổ ấm của mình đón năm mới.
 
Trước đó vài hôm, ba thường cắt lại khóm trúc ngoài cổng dẫn vào nhà, mẹ thì lúc nào cũng bận rộn với gian nhà bếp chật hẹp, bụi khói tro dính đầy trên tóc để lo cho bầy heo có cái ăn trong năm ba ngày tết khi chợ đò đã vãn. Vui nhất vẫn là thằng cu út, chưa gì đã mặc bộ áo mới chạy lon ton qua nhà hàng xóm khoe với bạn bè.
 
Nhớ lắm đêm ba mươi tết thế nào bà Hường ở dưới sông cũng đưa thúng đi vay gạo của nhà mình. Vốn vợ chồng bà ở trên chiếc thuyền chài, đông con cái; mấy ngày tết việc đánh bắt cá, tôm trên sông không biết bán cho ai nên không có tiền mua gạo. Thế là mẹ cầm tay bà Hường vào bếp dọn một mâm tươi tất mời bà dùng, xong xuôi lại gói gém đưa về cho chồng con. Sau đó vào hốt gạo đầy thúng mang cho bà và không quên dặn: “Dì mang về mà ăn, ra năm có thì trả”. Nhưng rồi ra năm bà Hường mang lúa vào trả thì chẳng bao giờ mạ lấy. Nhiều năm như thế, có năm bà Hường không vào vay gạo, mẹ lại hỏi ba một cách bâng quơ: “Không biết có đủ gạo mà ăn tết không, sao không thấy dì đến mượn!”.

Giờ thì quê mình khác xưa rồi, tuy không giàu lên nhưng vẫn no đủ, nghe đâu gia đình bà Hường đã lên định cư trên bờ, không còn cảnh lênh đênh sông nước nữa. Thật mừng!

Trời đất đang vào xuân, không biết giờ này cây mai nhà mình đã nở hay chưa, thằng út đã có áo mới? Chợt nhớ câu mẹ hay bảo: “Cứ yên tâm mà công tác, mẹ luôn là quê hương!”.