Một buổi sáng 1971, tinh mơ tôi thấy cả xóm nổi lên những tiếng gõ râm ran, giòn tan. Đó là tiếng dao quắm gõ vào đòn càn, đòn xóc tre. Lạ quá, tôi bật dậy cũng vớ lấy dao và đòn. Cả làng ào ào kéo lên núi cấm. Đó là dãy đồi toàn cây dẻ, đang độ rợp đồi, đã làm cột phên được. Trời chưa tan sương mà từ mái núi kia, dân mấy xóm dưới đã kìn kìn gánh củi về. Chúng tôi cũng dành lấy một khoảng rộng, chặt như điên như dại.
Té ra là, sắp lên hợp tác xã cấp cao toàn xã mà dãy núi cấm này là của hợp tác cũ của chúng tôi, gồm 7 đội sản xuất. Người ta sợ khi thành của chung thì không giữ được nữa nên hò nhau chặt hết về. Nhà nào cũng có những đống củi chất ngất, để lâu làm mồi cho mối đùn. Dãy núi trọc trơ trông thật lạ lẫm.
Đến mùa Đông kéo mật thì người ta lên đó, đào hết cả gốc dẻ về làm củi đốt lò. Lúc này thì núi mới thật sự là núi trọc, cỏ cũng không mọc nổi vì nóng.Tai ương đến liền và kéo dài đằng đẵng 10 năm trời. Cứ mùa Hè, giếng trong làng cạn sạch. Vào đêm trăng là cả làng gồng gánh đi xa 4km xuống tận sông đào để gánh nước về ăn.
Gió nam thổi, năm nào tre cả làng cũng khô trắng xóa. Các cụ ngồi nói, chỉ cần que diêm là cả làng hỏa hoạn. Mưa dông xong, các cánh ruộng chân núi tinh cát là cát, trồng khoai cũng không lên. Con người cũng khô quắt lại.
May sao từ 1981, những chương trình tái trồng rừng về với quê. Và cuộc sống bây giờ đã mát mẻ hơn bội phần, tre không cháy, khe giếng không hề cạn nữa. Tết 1990, tôi trở lại vùng rừng mà trước đó 22 năm mình đã sơ tán. Hoàn toàn lạ lẫm vì những cánh rừng săng lẻ, cà ổi, giang nứa quanh nhà trước đây đã hoàn toàn biến mất.
Ông dượng buồn nói: “Muốn vô rừng thì chắc phải đi 50 cây số chưa chắc đã có. Chỉ mía với lạc mà thôi”. Ngoài bờ sông, chú em khai thác cát bằng gầu, đổ cao như núi, ô tô ra vào lấy cát mù mịt cả vùng.
Hè 2002, tôi trở về bên sông Đáy, đoạn chảy qua thị trấn Quế. Tôi ra bến để nhớ về người anh đang cách xa nửa vòng trái đất. Định xuống bên sông rửa mặt thì có tiếng gọi giật sau lưng: “Bác đừng rửa, đêm về ngứa không chịu nổi đâu. Bao tải người ta còn không giặt nữa là”.
Một đời người, dù sống chưa đủ dài, chúng ta cũng sẽ đầy ký ức xót lòng về nước để mà lo, mà buồn, mà sợ. 75% trái đất này được bao phủ bởi nước nhưng nước có thể uống được chỉ có 0,3% thôi. Thật là nhỏ. Cách nay 2.000 năm, dân số trên trái đất là 250 triệu người dùng nước thì nay đã 7,594 tỷ người rồi.
Mỗi người chúng ta thì đến 73% trọng lượng là nước. Điều này mang thông điệp rằng, chúng ta mãi mãi là một bộ phận của thiên nhiên. Không có nước sẽ không có bất cứ một sinh mệnh nào trên trái đất này để nuôi sống chúng ta. Phát hiện sự sống trên những hành tinh xa xôi, trước hết, người ta xem rằng ở đó có dấu hiệu của nước không. Nước với sự vận động của nó, chính là nguyên nhân, là cội nguồn của khí hậu. Nó là cội nguồn sự sống.
Không thể không công nhận trong trường kỳ lịch sử, con người đã chinh phục và đã “chiến thắng” thiên nhiên. Con người càng ngày càng đông đảo lên, mạnh hơn, to lớn hơn và tuổi thọ trung bình kéo dài hơn. Nhưng cửa ngõ của sự giới hạn đã đến rất gần. Những xung đột về nguồn nước đang có dấu hiệu căng thẳng lên từng ngày khi mà các dòng sông, các nguồn nước thường đi qua lãnh thổ các quốc gia khác nhau.
Chủ nghĩa dân tộc, tư tưởng bành trướng, sự xung đột văn hóa đang lớn dần lên từng ngày. Cũng như trong quá khứ, người ta dùng nguồn nước để khống chế các dân tộc khác. Sự cạnh tranh về nước sạch rồi sẽ khốc liệt hơn sự cạnh tranh về dầu mỏ trong cả thế kỷ vừa qua.
Trong tiếng Việt, quốc gia - dân tộc được gọi là Nước. Từ nước có cội nguồn ngôn ngữ phương Nam. Nó tương đồng với Ia, Ja, Đa, Đak, Đak rum, Rác, Nác, Nước… vốn dùng để chỉ một cộng đồng tụ cư bên một nguồn nước. Bảo vệ độc lập dân tộc chúng ta gọi là giữ nước. Nhưng để an toàn, an sinh và phát triển cho tương lai muôn đời, chắc chắc chúng ta cần cứu lấy những dòng sông, cần giữ NƯỚC theo nghĩa đen thiệt thà của nó.