MEINFA Hà Nội bị xử phạt vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN vừa ký quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH MEINFA Hà Nội do có hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại được đã được bảo hộ của Công ty Cổ phần MEINFA.

Theo đó, Công ty TNHH MEINFA Hà Nội đã bị phạt 25.000.000 đồng và buộc phải loại bỏ yếu tố vi phạm “MEINFA” trong tên doanh nghiệp (DN).

Công ty CP MEINFA tiền thân là nhà máy Y cụ II trực thuộc Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam, thành lập năm 1976. Năm 2001, Công ty chính thức cổ phần hóa, với tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí (Tên giao dịch quốc tế: MECHANICAL INSTRUMENT JOINT STOCK COMPAN, tên viết tắt: MEINFA).
Kìm điện bị làm nhái
Kìm bị làm nhái
Đại diện Công ty CP MEINFA - đơn vị bị xâm phạm cho biết: Năm 2006, Công ty nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “MEINFA và hình” cho các sản phẩm/dịch vụ thuộc nhóm 8 và được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp GĐKNH số 225800 (ngày 9/6/ 2014) bảo hộ các sản phẩm/dịch vụ thuộc nhóm 8 (dụng cụ cầm tay như kìm, mỏ lết, dao, kéo…). Hơn nữa, MEINFA là tên thương mại đã được sử dụng rộng rãi từ trước trong hoạt động kinh doanh (trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm…), và tên thương mại MEINFA cũng được đăng ký là dấu hiệu chính, tên gọi của nhãn hiệu được bảo hộ.

Đại diện Công ty CP MEINFA khẳng định, hành vi xâm phạm của Công ty TNHH MEINFA Hà Nội trong việc đặt tên DN và sản phẩm vi phạm là có chủ ý. Công ty TNHH MEINFA Hà Nội do ông Cao Văn Hợp làm Giám đốc là cán bộ công tác rất lâu năm tại hệ thống công ty thành viên, công ty vệ tinh trực thuộc Công ty CP MEINFA, sau khi xin chấm dứt hợp đồng lao động tại đây, đã đăng ký thành lập Công ty TNHH MEINFA Hà Nội. Trong đó, “MEINFA” là thành phần phân biệt chính, “Hà Nội”chỉ là tên địa danh với mục đích “gây nhầm lẫn cho khách hàng trong cùng ngành nghề SXKD” và sử dụng tên này để sản xuất các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đang được bảo hộ. Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại theo quy định tại Điều 129 Luật SHTT, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Theo Thanh tra Bộ KH&CN, vi phạm quyền SHTT đang là vấn đề nóng tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Hoạt động thực thi quyền SHTT đã và đang được triển khai đồng bộ, đẩy mạnh từ T.Ư đến địa phương. Trong năm 2013 và 2014, lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ, ngành và địa phương đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh về SHCN… với tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng; buộc loại bỏ, tiêu hủy yếu tố vi phạm với hàng trăm nghìn sản phẩm xâm phạm quyền SHCN, cạnh tranh không lành mạnh; buộc tiêu hủy hàng chục nghìn sản phẩm giả mạo vỏ hộp, tem nhãn vi phạm...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần