Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mekong Connect 2022: Ba đề tài lớn tác động sâu rộng đến ĐBSCL

Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mekong Connect 2022 diễn ra trong hai ngày 23 - 24/11 với ba phiên thảo luận chính, bàn về các đề tài có tác động, ảnh hưởng lớn tới tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL.

Chiều 16/11, UBND TP Cần Thơ phối hợp cùng các tỉnh trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), TP Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức họp báo, thông tin về những nội dung của Diễn đàn Mekong Connect năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại họp báo. Ảnh Hồng Thắm
Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại họp báo. Ảnh Hồng Thắm

Mekong Connect năm 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 23 và 24/11, tại Khách sạn Mường Thanh – TP Cần Thơ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và TP Cần Thơ là đơn vị đăng cai tổ chức.

Theo đó, Mekong Connect 2022 diễn ra 3 phiên thảo luận chính, bàn về các đề tài có tác động, ảnh hưởng lớn tới tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của ĐBSCL, gồm: Làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế; nâng cao vai trò của Viện trường trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi số cho kinh tế nông nghiệp; phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hoạt động như: Ngày hội khởi nghiệp - Phiên chợ khởi nghiệp Xanh; trao giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập cho doanh nghiệp; ký kết các thỏa thuận hợp tác...

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh Hồng Thắm
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh Hồng Thắm

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Theo kết quả nghiên cứu trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022, ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL năm 2020-2021 là nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ.

Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này. Đồng thời, để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực...

"Do đó, những nội dung được lựa chọn trong Diễn đàn Mekong Connect 2022 được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế tạo động lực mới, bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19 của các địa phương và toàn vùng, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Nguyễn Văn Hồng nhấn mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: “Trước sự kiện chính của Mekong Connect năm nay, chúng tôi liên tục tổ chức những cuộc tọa đàm, hội thảo. Tại những sựu kiện này, đã giới thiệu những mô hình thành công trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Đây là những mô hình mà các doanh nghiệp, nông dân, bạn trẻ khởi nghiệp của đồng bằng có thể học hỏi để phát triển trong tương lai.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đã chuyển qua dùng những nguyên liệu từ giấy, gỗ để thay cho những phần sử dụng nhựa của sản phẩm. Bên cạnh đó, còn là vấn đề tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn bền vững là nhân tố đảm bảo ổn định chất lượng cho sản phẩm của doanh nghiệp đồng bằng. Hơn lúc nào hết, chúng ta thấm thía muốn đi xa, được thị trường chấp nhận, cần có những “giấy thông hành” đạt chuẩn mới tốt lên được”.