Melbourne là thành phố đáng sống nhất thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thành phố Melbourne của Australia đã vượt qua thành phố Vancouver của Canada để trở thành thành phố tốt nhất trên thế giới để sống.

Cùng lọt vào top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới trong cuộc khảo sát mới nhất do tổ chức Đơn vị Tình báo kinh tế (EIU), có trụ sở tại London (Anh) tiến hành còn có ba thành phố khác của Australia là Sydney, Perth và Adelaide.
 
Đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ EIU tiến hành cuộc khảo sát trên quy mô toàn cầu này thành phố Vancouver lại không được bầu chọn là nơi tốt nhất để sống.
 
Trước đây, Melbourne từng cùng chia sẻ vị trí dẫn đầu với Vancouver vào năm 2002, nhưng cuối cùng thành phố thuộc bang Victoria này đã"độc chiếm" ngôi đầu trong cuộc khảo sát lần này.
 
Đây là thứ tự 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới: Melbourne (Australia), Vienna (Austria), Vancouver và Toronto (Canada), Calgary (Canada), Sydney (Australia), Helsinki (Finland), Perth và Adelaide (Australia), Auckland (New Zealand).
 
Trưởng nhóm khảo sát của EIU, ông Jon Copestake cho biết Melbourne vượt lên dẫn đầu nhờ điểm số về cơ sở hạ tầng của Vancouver bị giảm nhẹ và đây là là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng sống của các thành phố.
 
Ông Jon Copestake chỉ rõ đất nước Australia với mật độ dân cư thấp và tỷ lệ tội phạm tương đối nhỏ tiếp tục đóng góp một số thành phố đáng sống nhất trên thế giới trong danh sách 140 thành phố được khảo sát.
 
Bất chấp việc chi phí sinh hoạt tăng cao do đồng đôla Australia (AUD) tăng giá trị, nhưng những thành phố này vẫn có một loạt yếu tố riêng tạo nên nét hấp dẫn cao độ.
 
Cuộc khủng hoảng nợ tại các nước thuộc khu vực đồng euro đã khiến các thành phố của châu Âu bị giảm thứ bậc xếp hạng về mức độ đáng sống nhất thế giới.
 
Trong khi đó, các thành phố ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi bị mất điểm. Thủ đô Tripoli của Libya lần đầu tiên bị rơi xuống nhóm 10 nước cuối cùng trong danh sách trên do nội chiến. Xếp đội sổ là thủ đô Harare của Zimbabwe.
 
Cuộc khảo sát của EIU dựa vào các tiêu chí gồm mức độ ổn định về chính trị và xã hội, tỷ lệ tội phạm, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng, các sự kiện văn hóa, môi trường, giáo dục và tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng./.