Sunday, 00:00 01/01/2012
Messi vs Pele, Madona: Có soán ngôi?
KTĐT - Ban đầu, người ta mặc nhiên công nhận Pele là "Vua bóng đá". Ngày 30/6/1986, bỗng xuất hiện một đề tài mới: sự đe dọa của ngôi sao 26 tuổi Diego Maradona đối với chiếc ngai vàng của Pele.
Đề tài này tràn ngập khắp thế giới đúng 1 ngày sau khi Maradona nâng cao Cúp Vàng World Cup 1986. Sau hơn 1/4 thế kỷ tranh cãi miên man, cuộc so sánh Pele - Maradona chẳng những không thể ngã ngũ mà còn trở nên rối rắm hơn vì vấn đề: cả hai đều có nguy cơ tụt lại phía sau ngôi sao trẻ Lionel Messi, khi lịch sử bóng đá thế giới tiếp tục tiến về phía trước.
Messi - Maradona: Hồi sau, Messi sẽ... thắng
Ít ra, Pele cũng nói đúng được một điều: muốn trở thành vua bóng đá qua mọi thời đại, trước tiên Messi phải là cầu thủ số 1 trong lịch sử bóng đá Argentina đã. Về mặt này, hiện tại, Messi chưa thể bằng Maradona. Nếu xét trên yếu tố lòng yêu mến của dân chúng, chắc chắn Maradona hơn đứt bởi sự gắn bó lâu dài và những chiến tích lẫy lừng của "Cậu bé Vàng" với ĐT Argentina. Còn nhớ, mỗi khi Maradona nhập viện, cả đất nước này đã phải cầu nguyện cho vị thánh sống của mình vượt qua hiểm nghèo.
Trong khi đó, Messi chẳng là gì với đồng bào của mình bởi anh đã rời tổ quốc từ tấm bé. Những thành công của anh tại Barca chỉ khiến người ta "có chút tự hào lây" về một người đồng hương khiến cả châu Âu phải nghiêng ngả. Đấy là khác biệt lớn nhất về tầm ảnh hưởng giữa Maradona và Messi.
Về mặt kỹ thuật, cả 2 danh thủ người Argentina đều sở hữu kỹ năng chơi bóng siêu phàm. Nhìn trên băng hình thực tế, kỹ thuật của "Cậu bé Vàng" mềm mại, bay bướm và thiên về tính biểu diễn hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật đó chủ yếu để phục vụ cho chính bản thân Maradona và phải đến độ tuổi 26-27 (tức nhiều hơn Messi hiện tại 2 tuổi) thì "Cậu bé Vàng" mới đạt trình độ thần khốc quỷ sầu. Trong khi đó, sự tinh tế và điêu luyện của Messi thành tựu sớm hơn, được dùng vì lợi ích chung của toàn đội và cũng thu hái nhiều thành công và hiệu quả hơn.
Điều duy nhất nơi Maradona mà Messi chưa có chỉ là thành công trong màu áo ĐTQG. Nhưng khi còn ở độ tuổi như Messi, Maradona cũng chưa làm nên trò trống gì trong ĐTQG (bị loại khỏi danh sách tham dự World Cup 1978, đại bại ở World Cup 1982). Trước kỳ World Cup 1986 lẫy lừng, Maradona và ĐT Argentina vẫn bị cho là thua xa Brazil của Zico, Falcao, Socrates, chưa nói đến các đội tuyển châu Âu.
Nhắc lại như thế để thấy: Messi bây giờ tuy chưa có vinh quang trong ĐTQG nhưng vẫn có thể thành công rực rỡ khi đến gần ngưỡng "tam tuần" như bậc tiền bối Maradona. Và nếu điều đó xảy ra, chắc chắn người dân Argentina không còn lạnh nhạt với ngôi sao Messi như hiện nay nữa.
Messi hiện quá vượt trội so với những ngôi sao lớn nhất trên sân cỏ châu Âu. Còn Maradona trong thập niên 1980 chưa chắc sáng hơn đàn anh Michel Platini, và cũng bị hạ bệ rất nhanh bởi đàn em Van Basten. Chỗ này, Messi đã hơn đứt Maradona rồi. Giới quan sát chỉ còn chờ xem khi nào anh mới thực sự làm chủ ĐTQG và truất phế Maradona trong lịch sử bóng đá Argentina.
Maradona- Pele: Không bao giờ ngã ngũ
Chắc chắn họ đều là cầu thủ vĩ đại nhất thế giới trong thế hệ của mình. Khi FIFA tổ chức bình chọn cầu thủ hay nhất lịch sử, nhân dịp thế giới bước vào thiên niên kỷ mới, thì Maradona thắng luôn Pele (sau đó, FIFA "chữa cháy" để giúp Pele giành lại danh hiệu số 1 qua một cuộc bình chọn khác dù kém thuyết phục). Chắc chắn số người ủng hộ Maradona trên toàn thế giới không thua gì số người ủng hộ Pele, và cũng vì thế mà cuộc so sánh Pele - Maradona mới không ngã ngũ. Chưa bao giờ, và chắc cũng không bao giờ, cuộc so sánh này thực sự ngã ngũ.
Pele tỏa sáng trong đội hình đầy sao, 3 lần vô địch World Cup, của Brazil. Còn Maradona một mình kéo cả đội Argentina vốn chỉ ở mức trung bình lên ngôi vô địch World Cup 1986 và vào chung kết World Cup 1990. Maradona tỏa sáng trong thời kỳ mà những cuộc chiến trên sân khắc nghiệt hơn so với thời của Pele. Đấy là những khác biệt chủ yếu. Pele chỉ vĩ đại ở Brazil, còn Maradona tỏa sáng trong cả đội tuyển Argentina lẫn trên đấu trường châu Âu, nơi anh biến đổi toàn bộ lịch sử của Napoli trong thời gian khoác áo CLB này. Nhưng cái hơn của Pele về mặt thành tích ở đấu trường World Cup cũng như những ảnh hưởng tích cực bên ngoài sân bóng là quá rõ ràng.
Messi - Pele: Hậu thế hay hơn nhiều
Trong thời buổi công nghệ tiên tiến này, cho dù Pele có công nhận hay không thì cũng vô ích: cả thế giới đã được xem hàng ngày và thấy rất rõ sự vượt trội cả về phẩm chất kỹ thuật lẫn đường nét nghệ thuật trong các bàn thắng mà Messi thường xuyên ghi được. Pele ngày xưa chỉ thi thoảng làm được những điều mà Messi có thể làm bất cứ lúc nào. Mặt khác, tầm quan trọng trong đa số bàn thắng và trận thắng của Messi bây giờ hơn hẳn các bàn thắng và trận thắng của Pele ngày xưa.
Quả bóng trong chân Messi giống như cây cọ trong tay Picasso. Đối thủ dù biết là Messi sẽ ghi bàn cũng không cách gì cản được. Leverkusen phải vào lưới nhặt bóng 5 lần chỉ trong 1 trận vì Messi, điều xưa nay chưa ai làm được ở Champions League. Ngược lại, chỉ cần đối phương áp dụng cách chơi "chém đinh chặt sắt" thì Pele lập tức thất bại, như tại World Cup 1966, đúng vào lúc Pele đạt đến tuyệt đỉnh phong độ (26 tuổi).
Messi và Pele có chỗ tương đối giống nhau: ngay cả đối thủ cũng phải yêu họ. Leverkusen suýt lủng củng nội bộ chỉ vì các cầu thủ tranh nhau quyền sở hữu chiếc áo kỷ niệm của Messi - người vừa tra tấn họ trong một trận đấu ở Champions League!
Cục diện... hai vua
Với những ai cho rằng bóng đá trước tiên vẫn phải là… một trò chơi, tức tài năng sân cỏ thuần túy, Messi sẽ là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử (vì có cả kỹ thuật vô song, bàn thắng, danh hiệu). Nếu như điều đó chưa đến bây giờ thì cũng là một kết cục tất yếu trong tương lai, bởi Messi mới 24 tuổi. Còn cả chục năm để anh tích lũy thành tích, chinh phục thế giới bóng đá cũng như tự hoàn thiện hóa chính mình.
Chỉ cần so với cách đây vài tháng, lúc anh đoạt "Quả bóng vàng FIFA", Messi bây giờ cũng đã tiến khá xa rồi. Ít nhất, anh đã có thêm hàng loạt kỷ lục ghi bàn đầy tự hào, nơi một Barcelona luôn đầy ắp giá trị lịch sử và truyền thống hào hùng. Messi sẽ lại có thêm những "Quả bóng vàng", những danh hiệu Champions League, thậm chí Cúp Vàng thế giới? Tất cả đều có thể được. Giả sử Messi thất bại trong 1-2 năm sắp tới, anh cũng vẫn còn nhiều cơ hội để lại tiếp tục thành công. Cần nhớ, Pele chỉ được tấn phong là "Vua" ở tuổi 30, sau 1 kỳ World Cup đại bại, 1 lần bị đẩy đến sát bờ vực phá sản, và 1 lần định tuyên bố giải nghệ!
Còn với những ai cho rằng bóng đá không chỉ là bóng đá, Pele vẫn mãi là vua. Sự vĩ đại bên ngoài sân cỏ cùng những ảnh hưởng lớn lao của Pele trong cuộc sống vẫn chưa thật sự bị thách thức. Messi quá "tròn", không phải là mẫu ngôi sao có thể làm cho một đất nước xa lạ chấm dứt nội chiến, làm cho Hoàng gia Anh phải chấp nhận nhún nhường về mặt nghi thức, hoặc làm cho một Tổng thống quyền lực hàng đầu thế giới phải phát biểu về mình, như Pele.
Maradona - nhân vật mà bất cứ hành động hoặc câu nói nào cũng có thể trở thành tin, bài trên mặt báo - đã không thắng được Pele trong khía cạnh này, thì Messi càng không thắng được Pele!