KTĐT - Microsoft đã trở nên quá lớn, quá chậm chạp, trì trệ, nhưng nguy hiểm nhất là sự “thừa thầy, thiếu thợ” đang giết chết sự sáng tạo của hãng phần mềm lớn nhất thế giới này.
Mới đây, cộng đồng IT Mỹ và thế giới đang xôn xao trước một bài viết được đăng trên blog của một cựu nhân viên quản lý cao cấp của hãng phần mềm Microsoft trong đó chỉ trích và lên tiếng cảnh báo về sự yếu kém trong các khả năng sáng tạo đang tồn tại trong hãng.
Để làm rõ hơn tình trạng này, người ta đã đi tìm đến những cựu nhân viên của Microsoft và cả những người đang làm việc tại đây. Trong bài viết này, tác giả chỉ nêu rõ tên của những cựu nhân viên còn với những người đang làm việc nguồn thông tin được nêu một cách nặc danh.
Cho dù đánh giá dưới tiêu chí nào cũng không thể phủ nhận Microsoft là một hãng công nghệ đã rất khổng lồ nhưng có lẽ chính họ đang gặp rắc rối vì sự khổng lồ này của mình.
Theo hầu hết các “cựu chiến binh” của Microsoft, rắc rối và hạn chế lớn nhất của hãng phần mềm này chính là việc họ có quá nhiều nhân viên quản lý trung gian. Chỉ trong vòng vài năm qua, số lượng nhân viên của Microsoft đã tăng rất nhanh nhưng có điều tốc độ gia tăng của số “thợ lành nghề” không thể so sánh với số nhân viên quản lý cấp trung.
Boris – một cựu nhân viên của Microsoft cho biết: “Ban đầu, nhóm nhân viên của tôi có khoảng 20 người nhưng đến cuối năm 2009, chỉ còn 4 người ở lại”. Nhưng ai là người đã ra các quyết định sa thải hàng loạt như vậy? Fred, một cựu nhân viên khác cho biết đó chính là “tác phẩm” của đội ngũ những nhà quản lý cấp trung gian.
Theo ước tính của chính những người đã và đang làm việc cho Microsoft, số lượng báo cáo mà họ phải làm đã gia tăng khoảng từ 5 đến 7 lần trong thập niên vừa qua. Điều này có nghĩa “con đường” từ một nhân viên đến với cấp quản lý cao nhất đã dài ra thêm ít nhất 2 lần so với trước kia.
“Khi tôi bắt đầu về làm việc cho Microsoft vào năm 1996, từ chỗ tôi đến Bill Gates chỉ là 6 người nhưng đến cuối năm 2009, mỗi báo cáo của tôi phải đi qua 13 người mới đến được Steve Ballmer – CEO của Microsoft”, cựu nhân viên Fred tiết lộ, còn một cựu nhân viên khác có tên là Barry cũng cho biết số lượng “cấp trên” của anh cũng đã tăng từ 6 lên thành 12 trong vài năm qua.
Theo số liệu thống kê được trích từ Uỷ ban chứng khoán Mỹ, tháng 6/2000 (thời điểm kết thúc năm tài chính 2001 của Microsoft), hãng có khoảng 39.100 nhân viên nhưng đến cuối năm tài chính 2010, số lượng nhân viên của họ đã là 93.000 người (mặc dù đã có hơn 5000 nhân viên bị sa thải trong giai đoạn cuối năm 2008 và đầu năm 2009) nhưng doanh thu và lợi nhuận của hãng lại không tăng tương ứng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự gia tăng quá nhanh và quá nhiều của đội ngũ nhân viên quản lý cấp trung.
Ai cũng muốn cải tổ nhưng…
Thực ra, ai cũng biết Microsoft đang lâm vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ và tất cả đều ủng hộ một cuộc cải tổ mạnh tay nhưng có điều chính những “ông thầy nửa vời” lại là những người “bám rễ” chắc nhất.
“Đã có bao nhiêu cuộc cải tổ nhưng tình trạng này lại không được cải thiện bao nhiêu. Những người đáng bị cắt giảm nhất ở Microsoft chính là những nhân viên quản lý chẳng bao giờ quan tâm đến lợi ích chung mà chỉ chăm chút cho sự nghiệp của chính mình”, Jack – một cựu nhân viên khác của Microsoft phát biểu.
Trong một số ít nỗ lực cắt giảm những nhân viên quản lý không , đáng buồn là có không ít lần Microsoft lại phạm sai lầm khi sa thải cả những “cục vàng” thực sự. Cựu nhân viên Amanda phát biểu: “Ở Microsoft, ai cũng tán đồng những cuộc cải tổ nhưng cuối cùng nó đã bị biến thành những lễ hội tôn giáo với một số người có khả năng thực sự lại bị “hiến tế”. Trong 12 tháng qua, đã có không ít người có năng lực thực sự thuộc các bộ phận như hệ điều hành máy trạm, giải trí, thiết bị di động, tìm kiếm… đã bị buộc phải ra đi. Năm nay, người bị hiến tế chính là Enrique Rodriguez – phó chủ tịch bộ phận TV”.
Bill Veghte là một trong những nhân viên cấp cao nhất bị buộc phải rời khỏi Microsoft sau những chương trình cải tổ nhưng lý do mà Bill bị buộc phải nghỉ việc là do không thể cạnh tranh được một vị trí mới với Steven Sinfosky – người đang phụ trách bộ phận Windows & Windows. Sau khi Bill ra đi, người tiếp bước ông là Mike Nash, một người cũng đã từng gắn bó với Microsoft trong suốt 19 năm qua. Cuối năm 2009, Microsoft còn mất thêm một “chiến binh kỳ cựu” là Chris Liddell, giám đốc tài chính. Những sự ra đi này phản ánh một thực trạng mới: Microsoft đang tự đánh mất những người kỳ cựu nhất trong khi đội quân “nhân viên quản lý cấp trung” lại không ngừng phình to ra.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhân sự, sai lầm trong việc tuyển dụng và sa thải này của Microsoft đang giết chết sức sáng tạo của hãng. Để tránh bị sa thải, các nhân viên của Microsoft không dám “mạo hiểm” và thiếu đi sự mạo hiểm đồng nghĩa với việc họ sẽ tìm cách an toàn là đi theo những lối mòn đã có sẵn.
Cựu nhân viên của Microsoft Rodriguez thừa nhận: “Microsoft đang quá chú trọng đến “bảng điểm” và điều này giết chết tinh thần tư duy một cách phóng khoáng, tự do và sáng tạo trong nhân viên của hãng”.
Hơn 5.800 người đã bị sa thải trong năm 2009 nói lên điều gì?
Những vụ sa thải hàng loạt trong năm ngoái đã khiến không ít nhân viên của Microsoft cảm thấy ngạc nhiên nhưng đồng thời cũng có nhiều người đặt câu hỏi: Microsoft sa thải có “đúng đối tượng” bởi có không ít người ngay sau khi bị Microsoft sa thải đã được các hãng công nghệ khổng lồ khác săn đón. Don Dodge là một ví dụ khi chưa đầy 2 tuần sau khi bước chân ra khỏi Microsoft, ông này đã được Google mời về làm việc.
Nhìn vào con số 5800 người đã bị sa thải trong năm 2009 không quá khó để người ta nhận thấy có 5 “đối tượng” chính là:
- Những người có mức lương khá cao
- Đã ở Microsoft từ 8 năm trở lên.
- Đã “nhiều tuổi” (đa số ở độ tuổi cuối 30 và đầu 40).
- Đã ở một vị trí nào đó “quá lâu”.
- Những vị trí Microsoft đã tìm được người thay thế trẻ hơn và có mức lương thấp hơn.
- Những người phụ trách các vị trí mà Microsoft có thể tìm được một người đã về hưu sẵn sàng “làm thêm”.
Trong số 6 tiêu chí này, nhiều người sẽ nhận ra rằng đó chính là một tác động rất cụ thể của cuộc khủng hoảng kinh tế bởi mục tiêu: Cắt giảm chi phí được ưu tiên một cách cao độ. Nhưng các chuyên gia về quản trị nhân lực lại cảm thấy rất khó hiểu với việc Microsoft sa thải cả những người “ở một vị trí nào đó quá lâu” bởi đó mới chính là những “chuyên gia” thực thụ là những người rất giàu kinh nghiệm thực tế nhưng lại không thích “thăng tiến” và làm “sếp”.
Ở tận cùng một vấn đền, không có một cuộc tái cấu trúc nào là hoàn hảo bởi có nhiều người vẫn sẵn sàng đặt lợi ích của cá nhân họ lên trước lợi ích của công ty nhưng với một “gã khổng lồ” như Microsoft, sai lầm này có thể sẽ khiến họ phải trả giá đắt trong một tương lai gần.