Theo Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư, hiện nay không khí lạnh mạnh liên tục được tăng cường về các tỉnh phía Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ có mưa rải rác, vùng núi và trung du có mưa vừa, có nơi mưa to, trời rét đậm, vùng núi rét hại; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét; nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11 - 14 độ C, vùng núi 7 - 10 độ C, vùng núi cao dưới 6 độ C.
Ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ và khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh. Từ ngày 24 - 27/11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to; các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có mưa to đến rất to.
Vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giáTheo ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, từ trưa 23/11, không khí lạnh mạnh tiếp tục tràn xuống Lào Cai khiến nhiệt độ các khu vực xuống thấp (giảm nhanh hơn là các huyện vùng núi). Hiện, nhiệt độ ở Sa Pa vẫn đang tiếp tục giảm sâu.Theo dự báo các đỉnh núi trong tỉnh có độ cao từ 2.700m trở lên khả năng xuất hiện băng giá phủ trắng (thời gian xuất hiện từ nửa đêm về sáng). Do vậy ông Hải khuyến cáo các du khách muốn chiêm ngưỡng băng giá (hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp, chỉ xuất hiện ở một số địa phương vùng núi cao phía Bắc nước ta trong mùa Đông) hãy đến xã Y Tý (Bát Xát), khu vực Trạm Tôn (thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên).Trước đó, vào sáng sớm 31/10 nhiệt độ trên núi Fansipan (Lào Cai) giảm xuống dưới 0 độ C, khiến hơi nước trong không khí ngưng kết lại tạo thành băng giá phủ trắng đường đi. Cũng theo Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, hiện tượng băng giá này không phải là tuyết. Ở Fansipan hiện nay chỉ có những lớp trắng trên bụi cây, bụi cỏ và chỉ là sương muối, băng giá. Hiện tượng sương muối, băng giá sẽ xuất hiện nhiều vào những ngày trời quang mây, nhất là thời điểm tháng 11 và 12.Ông Đào Đức Thụy - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường, khu vực tỉnh Điện Biên đã xảy ra rét đậm, rét hại. Đặc biệt, một số địa phương vùng núi cao như các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… nhiệt độ trong ngày có lúc xuống dưới 10 độ C. Đây là dự báo thấp nhất từ đầu mùa đến nay. Theo dự báo, từ ngày 24 - 25/11, rét đậm (nhiệt độ trung bình ngày từ 13 - 15 độ C), rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C) có khả năng xảy ra trên diện rộng. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét đậm, rét hại này khoảng 10 -12 độ. Riêng khu vực đèo Pha Đin (thuộc hai tỉnh Điện Biên và Sơn La) và vùng núi có nhiệt độ khoảng 4 -6 độ C và khả năng xuất hiện băng giá.
Lũ trên các sông miền Trung đang xuốngHiện nay, lũ trên sông Vệ (Quảng Ngãi) đang lên lại; các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên đang xuống; các sông ở Thừa Thiên Huế dao động theo điều tiết của hồ chứa. Dự báo, lũ trên sông Vệ tại trạm sông Vệ dao động ở mức BĐ2, sau đó xuống. Lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên tiếp tục xuống; các sông ở Thừa Thiên Huế dao động theo điều tiết của hồ chứa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, đến 6h ngày 24/11, có 14 hồ chứa thuộc quy trình liên hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang xả tràn, bao gồm: A Lưới, Hương Điền, Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Ka Nak, An Khê, Krong H’năng, Sông Hinh, Sông Tranh 2, Đak Mi 3, Đak Mi 4a, Sông Bung 5, Đakđrinh, Vĩnh Sơn 5. Tại Thừa Thiên Huế, tính đến hết ngày 23/11, nước trên các sông trên địa bàn đang xuống chậm, riêng các vùng thấp trũng ở Hương Trà, Quảng Điền... vẫn còn ngập nặng, các đập tràn như đoạn qua xã Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Phong (Hương Trà), đập Thủ Lễ, Quảng Phước (Quảng Điền)... ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1m, nước chảy xiết. Sau hai trận lụt vừa qua trên địa bàn Thừa Thiên Huế, học sinh các cấp ở một số trường vùng trũng của tỉnh phải nghỉ học 10 ngày và số tiết phải bù là khoảng 35 tiết. Sở Giáo dục đã trao quyền chủ động cho các trường trong việc quyết định cho học sinh nghỉ học khi xảy ra thiên tai, lũ lụt và lập kế hoạch dạy, học bù sau bão lũ. Dựa vào thực tế của từng vùng, ban giám hiệu các trường sẽ có những quyết định kịp thời để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong bão lũ và tổ chức dạy bù cho kịp chương trình.