Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miến dong Phú Diễn hối hả vào vụ

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, người dân làng nghề miến dong Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đang hối hả tăng năng suất để đáp ứng đủ lượng hàng cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2018.

Làng Phú Diễn phát triển nghề làm miến dong đã hơn 50 năm nay. Toàn thôn có khoảng hơn 20 cơ sở sản xuất, với sản lượng trung bình đạt từ 12 – 15 tấn/ngày. Nguyên liệu để làm miến 100% là bột dong, ngoài ra người dân không sử dụng thêm bất kỳ một chất bảo quản nào khác. Miến là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu về mặt hàng này lại tăng mạnh, cả làng lại căng mình tăng năng suất gấp 2 – 3 lần mới kịp đơn hàng giao cho khách. 

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Phú Diễn chuẩn bị hàng giao cho khách. 

Về Phú Diễn vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất không ngày nào không sôi động tiếng máy tráng bột phát ra từ các cơ sở sản xuất. Cả năm trông chờ vào dịp Tết nên các cơ sở sản xuất miến dong đều huy động tối đa nhân lực để tăng sản lượng. Mỗi dây chuyền bán công nghiệp có đến 15 người làm, chạy hết công suất, tăng năng suất gấp 3 lần mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Cả chủ và thợ đều hết sức khẩn trương, tranh thủ những ngày nắng ráo dọn dẹp tất cả các mặt bằng để phơi bánh đa. Chị Nguyễn Thị Hà, thôn Phú Diễn chia sẻ: Vào những ngày thường, trung bình gia đình tôi chỉ làm khoảng 7 – 8 buổi/tháng, nhưng vào dịp cuối năm thì hầu như ngày nào cũng sản xuất.

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngoài nâng cao chất lượng, giữ đúng hương vị truyền thống, người sản xuất miến Phú Diễn cũng đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo VSATTP. Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa Đào Bá Nguyên cho biết: Để đảm bảo uy tín cho sản phẩm của làng nghề, lãnh đạo địa phương thường xuyên xuống từng hộ kiểm tra, giám sát sản xuất, xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm. “Nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng cả làng cũng chỉ có hơn 20 cơ sở sản xuất, bởi chính quyền địa phương không cho phép các cơ sở chưa đạt chứng nhận ATTP hành nghề” - ông Nguyên nhấn mạnh. Hiện nay, làng nghề đã được cấp nhãn hiệu tập thể, từ đó cũng tạo thêm niềm tin với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, làng nghề Phú Diễn vẫn còn một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Hiện hầu hết các hộ dân đều phải tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình làm nơi sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất không có điều kiện đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại, xây dựng lò sấy miến để tránh phụ thuộc vào thời tiết. Được biết, địa phương đã có quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề rộng hơn 3ha nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành.