Miễn học phí bậc THCS: Bộ GD&ĐT đã có giải pháp chống lạm thu

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT công bố dự thảo luật Giáo dục để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, trong đó, những quy định nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận đó là miễn học phí cho học sinh THCS. Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại chủ trương nhân văn này sẽ bị lợi dụng có thể dẫn tới '”lạm thu”.

Trước những lo ngại này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, việc miễn học phí cấp THCS hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT Nghị quyết khẳng định, từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục cũng đã quy định: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình T.Ư và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.
 Buổi học tại trường THCS Thanh Xuân.
Theo tính toán bước đầu, dự kiến ngân sách nhà nước hằng năm phải chi thêm để cấp bù miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS sẽ không quá lớn và ngân sách nhà nước có thể bù đắp được. Khi không thu học phí bậc THCS, việc phát triển cơ sở hạ tầng trường lớp sẽ do ngân sách nhà nước đầu tư, đồng thời khuyến khích đầu tư của xã hội. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, trong đó quy định các chính sách ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, chính sách thuế, về tín dụng để thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, khi đưa ra đề xuất miễn học phí bậc THCS, Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu để có giải pháp kiểm soát. Cụ thể, Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định. Để việc thực thi đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm. Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh, giáo viên hiểu rõ điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện đúng quy định và không bị “lợi dụng” để thu các khoản thu trái quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần