Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung đứng trước nguy cơ “đại hồng thuỷ” sau gần 25 năm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Trung đang ở hình thế kinh điển (điển hình) của mùa mưa, rất giống với hình thái thời tiết từng gây ra trận lũ lụt lịch sử vào tháng 11/1999. Liệu một trận đại hồng thuỷ có lặp lại sau gần 25 năm?

Ký ức khó phai mờ

Đợt lũ lụt xảy ra tại miền Trung vào tháng 11/1999 (hay còn được biết đến với tên gọi là đại hồng thủy 1999) được xem là một trong những trận lũ lụt lớn nhất từng xảy ra. Nguyên nhân của trận lũ lụt lịch sử là do tác động của không khí lạnh mạnh kết hợp với dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới.

Các tỉnh miền Trung nước ta đã phải hứng chịu những trận mưa rất lớn từ ngày 1 - 6/11/1999, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, làm thiệt hại tài sản lên đến gần 3.800 tỷ đồng (giá thời điểm năm 1999, tương đương 21.203 tỷ đồng ở năm 2023).

Gia cố bờ sông phòng, chống lũ lên do mưa lớn kéo dài tại tỉnh Hà Tĩnh.
Gia cố bờ sông phòng, chống lũ lên do mưa lớn kéo dài tại tỉnh Hà Tĩnh.

Trận lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng đã khiến 595 người dân bị thiệt mạng, 41.846 nhà dân bị cuốn trôi, 570 trường học bị cô lập và phá huỷ… Sự cố thiên tai đã đi vào ký ức khó phai mờ của nhiều người dân, đặc biệt là tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau lũ lụt, Chính phủ đã tổ chức cứu trợ đồng bào vùng lũ đồng thời kêu gọi những sự hỗ trợ từ quốc tế. Nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã cứu trợ nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai này gây ra.

Đợt mưa lũ tháng 11/1999 này cũng đã xác lập nhiều kỷ lục lịch sử trong các thống kê, so sánh về thiên tai và thiệt hại thiên tai gây ra. Dù một số kỷ lục đã bị các trận lũ lụt khác diễn ra sau đó vài năm phá vỡ, nhưng đây vẫn được xem là sự cố thiên tai lớn bậc nhất trong lịch sử.

Sẽ không lặp lại “đại hồng thuỷ 1999”?

Hiện nay, mưa lũ tại khu vực miền Trung đã bước sang ngày thứ 5 (mưa bắt đầu từ đêm 10/10 đến nay), trọng tâm diễn ra ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, với nhiều điểm mưa phổ biến từ 400-800mm, riêng ở Đà Nẵng có nơi trên 1.000mm. 

 

“Nguyên nhân của đợt mưa kéo dài đang diễn ra tại miền Trung là hình thế kinh điển (điển hình) của mùa mưa ở khu vực này, đó là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới cùng đới gió Đông từ Biển Đông vào gây ra mưa lớn...” 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia)

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), tháng 10 hàng năm là tháng có lượng mưa đặc biệt lớn và lớn nhất ở khu vực miền Trung. Lượng mưa phổ biến ở khu vực này thường ở mức 600-800 mm trong tháng 10 hàng năm.

Nhận định lượng mưa đang diễn ra tại nhiều tỉnh, TP khu vực miền Trung không phải bất thường, tuy nhiên ông Hưởng cho rằng trong 2 ngày qua, lượng mưa ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng là tương đối lớn so với trung bình nhiều năm.

Đáng lưu ý, cường độ của hình thế gây ra mưa lớn kỷ lục ở khu vực Trung Bộ trong giai đoạn từ ngày 1 - 6/11/1999 mạnh hơn cường độ của hình thế gây mưa lớn ở miền Trung trong giai đoạn này. Do vậy, khả năng cao đợt mưa đã, đang và tiếp tục diễn ra ở khu vực Trung Bộ có cường độ không khốc liệt, không gay gắt bằng cường độ giai đoạn năm 1999.

Mặc dù vậy, cơ quan KTTV Quốc gia cảnh báo tình trạng ngập úng vẫn tiếp tục duy trì ở khu vực các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, với tình hình mưa lấn sâu từ vùng đồng bằng, trung du đến vùng núi, thì khu vực miền núi trong thời gian tới có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Khu vực phía Tây ở miền Trung hay khu vực phía Bắc của Kon Tum, Gia Lai cũng có khả năng xảy ra mưa lớn và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở 2 tỉnh này ở mức cao. Đây là những loại hình thiên tai mà các địa phương cần hết sức lưu ý.