Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung tiếp tục mưa lớn, gần 1.000 nhà dân bị hư hỏng, ngập nước

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa lớn kéo dài, từ ngày 10/11 đến nay, đang gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương khu vực miền Trung, đặc biệt là ở Quảng Trị. Diễn biến mưa lũ được nhận định sẽ còn rất phức tạp.

Sơ tán hàng trăm hộ dân

Theo thống kê sơ bộ, từ 19 giờ ngày 10/11 đến sáng nay (14/11), tại nhiều khu vực trên cả nước đã có mưa, với tổng lượng phổ biến từ 100 - 200mm. Một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Hồ chứa nước Kim Sơn (Hà Tĩnh) 388mm; Lâm Thuỷ (Quảng Bình) 279mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 448mm; Đập Thuỷ điện Rào Trăng 4 (Thừa Thiên Huế) 261mm; Hoà Bắc (Đà Nẵng) 288mm; Điện Hồng (Quảng Nam) 242mm…

Mưa lớn kèm dông lốc đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng. Cụ thể: 883 nhà dân đã bị ngập (Quảng Trị: 800; Đà Nẵng: 83); 17 ngôi nhà bị tốc mái (Hà Tĩnh); 1 nhà bị sạt lở (Quảng Nam). 

Mưa lớn khiến một tuyến đường tại TP Đà Nẵng bị ngập nước.
Mưa lớn khiến một tuyến đường tại TP Đà Nẵng bị ngập nước.

Hệ thống giao thông cũng bị tổn thương nghiêm trọng khi 14 điểm ngầm tràn, cầu tràn tại các huyện Hướng Hoá, Hải Lăng (Quảng Trị) bị ngập sâu từ 0,5-1,5m. Sạt lở taluy dương tại Quốc lộ 8A đoạn qua xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) và một số vị trí trên đường tỉnh lộ Đường tỉnh 601 khu vực đèo La Ngà, xã Hoà Bắc, huyện Hoà Vang (TP Đà Nẵng).

Để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, ngày 13/11, TP Đà Nẵng đã cho học sinh trên toàn địa bàn nghỉ học. Địa phương này cũng đã tiến hành sơ tán 7 hộ/29 nhân khẩu (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi đó tại tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương cũng đã phải tiến hành di dời, sơ tán 255 hộ dân với số dân 550 người đến nơi an toàn.

Mưa lớn khiến mực nước nhiều hồ chứa thuỷ điện lên cao. Hiện, 16 hồ đang được vận hành điều tiết qua tràn để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có 5 hồ; khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 10 hồ và khu vực Tây Nguyên có 1 hồ.

Trực ban nghiêm túc 24/24 giờ

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ nay đến ngày 16/11, ở khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định sẽ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 450mm; khu vực Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm, có nơi trên 250mm. 

 

Hiện nay, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 14 - 17 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 11 - 14 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Từ nay đến đêm 15/11, ở phía Đông của khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa từ 50 - 100mm, có nơi trên 120mm. Từ ngày 16 - 17/11, ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.

Mưa lớn được dự báo sẽ khiến mực nước các sông lên cao. Từ nay đến ngày 18/11 trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, bắc Phú Yên ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức BĐ2 - BĐ3, có sông trên BĐ3.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP tổ chức triển khai các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất. Nhiệm vụ trọng tâm trong những giờ tới là tiếp tục rà soát đi kịp thời di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn. Tập trung khắc phục hậu quả sua khi nước lũ rút.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương phỉa duy trì trực ban nghiêm túc, 24/24 giờ; báo cáo thường xuyên diễn biến, sự cố thiên tai về Văn phòng Thường trực để có chỉ đạo ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng do mưa lũ đến đời sống cũng như sản xuất của người dân.