Miễn visa theo tour: "Hat - trick” của du lịch Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lời giải cho bài toán tăng trưởng lùi (lượng khách quốc tế) của du lịch Việt Nam những năm gần đây mà Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đưa ra được xem là cú "hat - trick" đầy hy vọng.

Miễn visa theo tour: "Hat - trick” của du lịch Việt - Ảnh 1Đó là việc Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ VHTT&DL trình Chính phủ xem xét đề án miễn thị thực cho khách du lịch không xét quốc tịch với những tour trọn gói.

Thưa ông, tại sao trong năm 2015, dù có nhiều chính sách về du lịch được ban hành, ngành du lịch cũng nỗ lực cải cách hành chính, tăng cường chất lượng phục vụ... song lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng?

- Tôi thừa nhận, năm 2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn khá khiêm tốn với khoảng 7,9 triệu lượt. Nguyên nhân do sự sụt giảm khách từ 3 thị trường lớn gồm: Các nước nói tiếng Hoa, Nga và ASEAN. Nhưng ngành đã thu được một số kết quả khả quan như: Ngăn sự sụt giảm nghiêm trọng khách quốc tế tới Việt Nam suốt 13 tháng, từ năm 2014. Sự phục hồi này sẽ tạo đà tăng trưởng trong năm 2016. Minh chứng là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2016 ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Vậy, trong năm 2016, thị trường quốc tế trọng điểm mà Việt Nam hướng tới là những đối tác nào?

- Trung Quốc luôn là thị trường khách dẫn đầu của du lịch Việt Nam. Dù có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chúng ta không bao giờ coi nhẹ thị trường này. Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, thị trường Đông Bắc Á chiếm tới 50% thị phần là quan trọng nhất. Tiếp đến, thị trường ASEAN, châu Âu và Nga ngày càng được quan tâm đi vào từng phân khúc nhu cầu, đặc biệt là các phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, thể thao giải trí cao cấp, du lịch di sản và trải nghiệm văn hóa bản địa, khám phá sinh thái và du lịch MICE. Thị trường tiềm năng và mới nổi cũng hứa hẹn nhiều triển vọng như Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Đông.

Lâu nay, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch là một trong những lĩnh vực còn nhiều hạn chế. Tổng cục Du lịch sẽ làm gì để thúc đẩy công tác này?

- Năm 2016, ngành tập trung vào các giải pháp đột phá để tạo sự chuyển biến mạnh về tính chuyên nghiệp và hiệu quả quảng bá. Trước hết, chủ động lên kế hoạch quảng bá, xúc tiến, không thụ động chờ gần đến sự kiện mới vội vàng tổ chức triển khai như trước đây. Từ cuối năm 2015, ngành du lịch đã công bố dự kiến kế hoạch các hoạt động quảng bá trên quy mô toàn quốc để các địa phương, DN đăng ký tham gia. Cũng trong năm nay, Tổng cục Du lịch sẽ không “căng mình” tham gia các hội chợ quảng bá du lịch quốc tế mà đề nghị các địa phương, DN cùng tham gia và chủ trì một số sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Đồng thời, nhiều DN và các hãng hàng không sẽ cùng Tổng cục Du lịch triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá theo cơ chế hợp tác công - tư đa dạng. Như vậy, nguồn lực huy động cho quảng bá, xúc tiến chung của quốc gia được mở rộng và Tổng cục Du lịch sẽ có điều kiện tập trung cao độ cho những sự kiện, hoạt động then chốt, khi đó hiệu quả thu được cao hơn.

Trong chiến lược marketing du lịch Việt Nam, một trong những yếu tố mới có tính chất “mũi nhọn”, sử dụng công nghệ cao mà Tổng cục Du lịch đang theo đuổi là truyền thông qua internet (E-marketing). Công cụ này sẽ rút ngắn khoảng cách địa lý, tiếp thị quảng bá đến toàn cầu, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí mà sức lan tỏa rộng rãi không ngờ. Cùng với đó, Tổng cục sẽ mời các đoàn famtrip, presstrip, đoàn làm phim từ các thị trường nguồn đến khảo sát, tham quan, đưa tin về du lịch Việt Nam và ngược lại để khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch. Đây cũng là những giải pháp đem lại hiệu quả cho xúc tiến quảng bá cho du lịch Việt Nam trong dài hạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu trình Chính phủ sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để có cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, sát hợp với nhu cầu thị trường và lợi ích của DN.

Thời gian qua, việc miễn thị thực đã giúp thu hút được nhiều du khách quốc tế. Vậy, trong thời gian tới, ngành tham mưu cho Chính phủ đổi mới chính sách này như thế nào?

- Năm 2015, trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTT&DL, Chính phủ đã quyết định miễn thị thực cho khách du lịch đến từ một số nước châu Âu gồm Italia, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Belarus và Vương quốc Anh. Đồng thời, giảm lệ phí visa và ban hành văn bản miễn thị thực cho người Việt ở nước ngoài. Cùng với việc đã miễn thị thực đơn phương cho công dân Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga và song phương với các nước thành viên ASEAN thì đến nay có 22 quốc gia thuộc diện được miễn thị thực. Với quyết định này, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phần nào, từng bước được tạo thuận lợi hơn trước rất nhiều. Như thế, chúng ta sẽ có điều kiện tập trung hơn tới những nhóm du khách có nhu cầu du lịch dài ngày, có khả năng chi tiêu cao để thu hút. Không chỉ công dân xuất phát từ những nước trên, mà có thể họ đang lưu trú sinh sống tại các nước, vùng lãnh thổ lân cận như ở Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc), Singapore… cũng được thu hút đến Việt Nam thuận tiện. Những chuyến hành trình kéo dài thêm điểm đến Việt Nam, những chuyến du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí, chơi golf cuối tuần rất hấp dẫn dòng khách này.
Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Về đề xuất mở rộng diện miễn thị thực, Tổng cục không chỉ chú trọng về quốc tịch mà quan tâm hơn hình thức miễn thị thực. Chúng tôi đang có đề án trình Chính phủ cho phép miễn thị thực cho du khách không xét quốc tịch với những tour trọn gói để tạo điều kiện cho DN lữ hành tổ chức tốt tour trọn gói. Đồng thời, thu hút và quản lý khách vào Việt Nam tốt hơn. Chúng tôi kỳ vọng, việc miễn visa theo tour sẽ làm nên cú “hat-trick” cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Đó là, vừa góp phần tăng cường thu hút khách quốc tế; vừa nâng cao trách nhiệm, tăng doanh thu cho các hãng lữ hành; và kích thích sự phát triển những điểm đến nhiều tiềm năng nhưng chưa thu hút được đông đảo du khách quốc tế.

Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết, ngành du lịch phải làm gì để tranh thủ cơ hội và hóa giải những thách thức mà các văn bản đã ký kết này mang lại?  

- Đối với ngành du lịch, khi tham gia TPP và gia nhập Cộng đồng kinh tế AEC sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi. Đó là sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước nội khối và các nước trong ASEAN sẽ giúp tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm kiếm việc làm kết hợp với du lịch. Theo đó, sẽ gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch - kinh doanh, du lịch - hội họp ngay trong nội khối TPP và AEC mà Việt Nam là một thành viên. Mặt khác, đa số các thành viên TPP cũng đã cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh cho nhau.

Tuy nhiên, khối DN lữ hành lại đứng trước thách thức nặng nề. Bởi, khi thực hiện cam kết trong TPP, DN nước ngoài sẽ đưa khách vào thị trường trong nước buộc DN nội phải chia sẻ thị phần. Nếu không có năng lực và có một chiến lược cạnh tranh, DN nội sẽ rất dễ “thua trên sân nhà”… Do vậy, cần xem xét các quy định, rào cản để bảo vệ cho DN trong nước; đặc biệt là đẩy mạnh khai thác yếu tố văn hóa bản địa, bản sắc văn hóa Việt Nam trong sản phẩm du lịch trở thành sức mạnh trong cạnh tranh. Ngược lại, DN cũng phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc không ngừng đổi mới công nghệ, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết phát triển sản phẩm hấp dẫn nhằm gia tăng thị phần.

Ngoài ra, với ngành du lịch nói chung cần có bước chuẩn bị để phát triển sản phẩm phù hợp, hướng tới dòng khách kết hợp kinh doanh, hội họp khi lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ trong nội khối TPP; tập trung vào chất lượng và hiệu quả khai thác khách với giá trị gia tăng cao hơn là chỉ đơn thuần số lượng. Mặt khác, phải tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho du khách, kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại, ngoại giao, cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, một số tồn tại như môi trường du lịch, tình trạng đeo bám du khách, trộm cắp, ATGT, VSATTP cần giải quyết một cách triệt để. Đồng thời, tích cực tăng cường liên kết, kết nối trong khu vực để đa dạng hóa sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thu hút khách từ nước thứ ba, cũng như trao đổi khách giữa các nước.

Tổng cục Du lịch sẽ làm hết sức mình để giữ vững môi trường du lịch an toàn, thân thiện và ngày càng hấp dẫn cho du khách trên toàn thế giới khi đến Việt Nam khám phá.

Xin cảm ơn ông!
Nên nhân rộng
Hiện nay, không có DN nào muốn đi quảng bá vì như thế chi phí tour sẽ đắt hơn những DN không đi quảng bá mà vẫn được hưởng lợi vì có thể chào bán tour với giá rẻ hơn. Nhưng, theo đề án này, chỉ một vài DN có uy tín được cam kết đón khách ở những thị trường nhất định thì công tác quảng bá sẽ khác. Nhân rộng mô hình này, chắc chắn hoạt động quảng bá du lịch ra quốc tế sẽ nở rộ không chỉ ở những thị trường tiềm năng mà cả những thị trường chưa có nhiều khách đến Việt Nam. Bởi lẽ, DN có niềm tin, có cơ sở để bỏ vốn đầu tư cho hoạt động quảng bá, xúc tiến.
Ông Nguyễn Công Hoan Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours

Bảo đảm an ninh, trật tự
Đề án miễn visa theo tour nếu được áp dụng sẽ góp phần đảm bảo an ninh, trật tự. Bởi lẽ, các cơ quan chức năng có thể biết và kiểm soát hành trình của khách qua cam kết của hãng lữ hành. Với khách lẻ, việc này rất khó kiểm soát. Mặt khác, khách đi tour trọn gói đã được công ty đảm bảo nơi ăn, chỗ ở, lịch tham quan điểm đến… từ A đến Z nên tất cả những hiện tượng chèo kéo, đeo bám, lừa đảo du khách có thể sẽ chấm dứt được.
Ông Nguyễn Hồng Đài - Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel