Lựa chọn biển số theo tỉnh, thành
Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Dự thảo nêu rõ, các biển số ô tô đưa ra đấu giá dự kiến bao gồm biển số ô tô của các tỉnh, TP, ký hiệu serie A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z có nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng biển số ô tô đưa ra đấu giá tại mỗi phiên đấu giá. Trong trường hợp chưa đến kỳ đấu giá tiếp theo, công an các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hết biển số ô tô để đăng ký, Bộ Công an giao Cục trưởng Cục CSGT quyết định.
Việc đấu giá biển số ô tô được thực hiện bằng hình thức trực tuyến tại trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản, hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và được lựa chọn biển số ô tô trong danh sách biển số đưa ra đấu giá của tất cả tỉnh, TP trên toàn quốc.
Người tham gia đấu giá nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước vào tài khoản của tổ chức đấu giá tài sản và được cấp mã số tham gia đấu giá.
Theo dự thảo, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (không bao gồm lệ phí đăng ký xe và đã trừ đi số tiền đặt trước) vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Sau khi nhận đủ tiền, Bộ Công an sẽ cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Bộ Công an mở một tài khoản chuyên thu tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thu tiền trúng đấu giá. Số tiền bán đấu giá biển số ô tô và số tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu của Bộ Công an sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương.
Số tiền này sau khi trừ đi các khoản chi phí tổ chức đấu giá và tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản (nếu có) sẽ được Bộ Công an kê khai, nộp, quyết toán với cơ quan thuế. Bên cạnh đó, căn cứ tiến độ thực hiện và nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, đầu tư cơ sở vật chất, đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự…
Cần quy định chặt chẽ
Về quy định sẽ đấu giá biển số, nhiều người dân bày tỏ đồng tình và sẵn sàng bỏ tiền ra mua biển số xe theo ý của mình.
Anh Đinh Văn Luyện, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, quan niệm biển số đẹp là các loại biển số mang ý nghĩa đem đến sự may mắn cho công việc làm ăn, cuộc sống và thể hiện đẳng cấp cho chủ xe.
“Việc đấu giá biển số xe sẽ giúp người dân lựa chọn và chi trả tiền cho biển số mình mong muốn theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Khi đấu giá thì đôi bên cùng có lợi. Tức người dân có biển số mình cần, Nhà nước thì thu được ngân sách” – anh Đinh Văn Luyện.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: “Việc đấu giá biển số xe đã có từ năm 1993 và đã thực hiện thí điểm ở một số địa phương rồi ngừng thực hiện. Vấn đề này tiếp tục đặt ra vào năm 2011, khi cơ quan chức năng xây dựng nghị định về đấu giá tài sản nhưng vẫn chưa thống nhất”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, sở hữu biển số xe đẹp qua đấu giá đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đấu giá biển số xe nên làm thí điểm ở một số địa phương nhằm đánh giá hiệu quả và có cơ sở để xây dựng nguồn biển số đẹp, quy trình đấu giá thống nhất, cũng như căn cứ xác định giá khởi điểm. Việc đấu giá phải được công khai, minh bạch để đảm bảo lợi ích của người dân.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cũng cho rằng, không chỉ đấu giá biển số đẹp mà nên khai thác việc cấp các biển số xe theo yêu cầu của cá nhân như biển số xe theo ngày tháng năm sinh, số điện thoại. Đây là cấp biển số theo yêu cầu nên có thể ấn định mức giá đối với các biển số này.
Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng Luật Hải Thanh cho rằng, việc đấu giá biển số sẽ dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ. Do vậy, cần có những quy định chặt chẽ ngay từ đầu như việc người tham gia đấu giá phải có phương tiện. Trong thời gian quy định, nếu không đến cơ quan chức năng đăng ký biển số sẽ bị thu hồi.
“Nên có quy định thời hạn sử dụng của biển số xe đấu giá như thời hạn sẽ theo niên hạn của xe được gắn biển số. Khi xe hết niên hạn, biển số có thể được thu hồi và tiếp tục bán đấu giá cho các cá nhân khác như vậy sẽ giảm thiểu tình trạng đầu cơ và tăng cơ hội sở hữu biển số đẹp cho nhiều người” - luật sư Phạm Thanh Hải chia sẻ.