Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch thu, chi tiền công đức tại di tích lịch sử văn hóa, đình chùa

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Qua kết quả kiểm tra tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy cơ chế quản lý tiền công đức còn rất lỏng lẻo. Vì vậy, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức trên toàn quốc thực sự cần thiết.

Hơn 50 di tích không có số liệu báo cáo

Bộ Tài chính vừa có báo cáo số 119/BC-BTC ngày 21/7/2023 về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và đề xuất kế hoạch kiểm tra tổng thể toàn quốc. Theo đó, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh,  Bộ Tài chính đã hoàn thành việc thí điểm kiểm tra vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả kiểm tra cho thấy, về thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích, năm 2022, tổng số thu là 70,8 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng). Tổng số chi là 54,4 tỷ đồng cho các hoạt động quản lý, lễ hội, tu bổ, tôn tạo di tích, từ thiện và các khoản chi khác.

Bộ Tài chính sẽ kiểm tra việc thu chi tiền công đức trên cả nước
Bộ Tài chính sẽ kiểm tra việc thu chi tiền công đức trên cả nước

4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29,4 tỷ đồng,

Một số di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm 2023 trên 1 tỷ đồng, bao gồm: Di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên là 19,8 tỷ đồng (bằng 32% tính trên tổng số thu tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh); Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử gần 7,2 tỷ đồng (riêng tại chùa Đồng là 4,3 tỷ đồng); đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ, Móng Cái là 5,3 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Hạ Long là 3,2 tỷ đồng; chùa Hưng Học ở Nam Hòa, Quảng Yên là 2,7 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều trên 1,7 tỷ đồng; chùa Long Tiên ở phường Bạch Đằng, Hạ Long là 1,5 tỷ đồng; đền Đức Ông ở phường Hồng Gai, Hạ Long là 1,5 tỷ đồng; đền Xã Tắc ở Ka Long, Móng Cái là 1,3 tỷ đồng.

Số liệu nêu trên được tổng hợp từ báo cáo của 221 chủ thể, bằng 47% trên tổng số chủ thể quản lý di tích. “Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, còn trên 50 di tích không có số liệu báo cáo. Dự kiến, tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2023 trên 180 tỷ đồng”- báo cáo của Bộ Tài chính viết.

Về một số hạn chế, khó khăn, báo cáo của Bộ Tài chính thông tin, tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, số thu tiền công đức thực tế cao hơn số thu nêu trong báo cáo gửi cho Đoàn kiểm tra khoảng 351 tỷ đồng (cao hơn 2,2 lần).

Theo Bộ Tài chính, trong 5 Khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách.

Đoàn kiểm tra nhận thấy, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức tuy có sự phối hợp của nhiều bên liên quan nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỷ đồng, chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỷ đồng). Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử.

Kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc

Thực tế, tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội; tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương. Vì vậy, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử-văn hóa, đình chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này.

 

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.

Nói về cơ chế quản lý tiền công đức, PGS. TS Bùi Xuân Đính - Chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương cho rằng, quản lý tiền công đức còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau đã dẫn đến câu chuyện trục lợi tiền công đức, gây ra những nghi kỵ và tranh chấp lẫn nhau trong cộng đồng. “Nếu chỉ quản được đầu vào mà không quản lý được đầu ra thì chỉ là hình thức không ngăn chặn được những hành vi tư túi, lợi dụng kẽ hở để trục lợi, sử dụng tiền công đức ngoài mục đích” - PGS. TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Tài chính, sau đợt kiểm tra tại tỉnh Quảng Ninh, việc kiểm tra việc thu chi tiền công đức sẽ diễn ra trên cả nước, thời gian kiểm tra trong hai năm 2022-2023. Các tỉnh cần gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong quý 1/2024.

Đối tượng kiểm tra bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Nội dung kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa. Thời kỳ kiểm tra năm 2022 và 2023. Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong Quý I/2024.