Minh bạch trong chính sách giảm nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ KH&ĐT về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012".

Theo Bộ KH&ĐT, kết quả đạt được trong gần 10 năm qua đối với công cuộc giảm nghèo là rất đáng khích lệ, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo đã phát huy hiệu quả tích cực; mục tiêu giảm nghèo luôn vượt kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, hoàn thành trước mục tiêu giảm 50% hộ nghèo vào năm 2015 và điều này đã được quốc tế ghi nhận. Tổng vốn ODA ký kết tính riêng cho lĩnh vực giảm nghèo theo giá trị hiệp định trong giai đoạn 2005 - 2012 đạt trên 3.628 triệu USD. Riêng 3 năm (2011 - 2013), tổng kinh phí vốn đầu tư phát triển bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo là 10.928,384 tỷ đồng.

Mặc dù ghi nhận sự ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giảm nghèo nhưng đa số đại biểu cho rằng, mức đầu tư, hỗ trợ chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Vẫn còn địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo. Tỷ lệ vốn bố trí đầu tư thiếu tập trung, dứt điểm, chưa đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để tránh sự chồng chéo cũng như đảm bảo tính khả thi, phù hợp của các chính sách về giảm nghèo thì cần phải tăng cường phản biện xã hội, lấy ý kiến của nhiều tổ chức xã hội trước khi ban hành các chính sách về giảm nghèo cũng như những kết quả đạt được trong công cuộc giảm nghèo. Có như vậy, mới tránh được tình trạng chính sách mới ban hành nhưng không có đủ nguồn lực thực hiện, đảm bảo tính khả thi và minh bạch của chính sách trong lĩnh vực giảm nghèo...