70 năm giải phóng Thủ đô

Mình ngành văn hóa không kham nổi!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đợt kiểm tra xử lý quảng cáo rao vặt (QCRV) làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đã tạm khép, thì lại xuất hiện những kiểu cách vi phạm mới. Điều đó khiến các nhà quản lý mỏi chân đuổi theo vi phạm, mà vẫn chưa tìm ra cách ứng phó.

Chuyển hướng vào ngõ ngách

 
Đợt kiểm tra mới "khoanh vùng" trong 12 quận, huyện, nhưng đã thấy rất rõ sự chuyển hướng của QCRV. Sau văn bản số 1957/UBND-VX, yêu cầu đẩy mạnh công tác quản lý, tổ chức hoạt động QCRV trên địa bàn thành phố trong năm 2012. Ngày 22/3/2012, các quận, huyện đã ào ạt ra quân, xử lý vi phạm. Mỗi nơi một biện pháp, Hoàn Kiếm giao vỉa hè cho từng hộ dân ở mặt phố, Cầu Giấy dành hẳn một lực lượng của Công ty Môi trường đô thị chuyên trách việc xóa QCRV… Việc cắt băng rôn vi phạm, bóc xóa tờ rơi được tiến hành rốt ráo, kể cả việc bắt các đối tượng đi dán QCRV, cắt số thuê bao điện thoại QCRV… Có thể nói, trong vòng một tháng, các đường phố lớn trong nội thành gần như "trắng" QCRV. Từ đường Hoàng Quốc Việt của Cầu Giấy, Nguyễn Trãi của Thanh Xuân… cho đến Hồ Tùng Mậu của Từ Liêm…

Thế nhưng, không còn lộ diện trên các phố lớn, QCRV chui vào các ngõ, ngách. Nghênh ngang xuất hiện chi chít trên cột điện, cột đèn, tường nhà dân, không khác gì thời "bùng phát" hai năm về trước. "Khoan cắt bêtông" chồng lên "Thông tắc bể phốt", "Dạy gia sư", "Sửa chữa điện lạnh"… Không chỉ những miếng giấy mỏng dán bằng hồ, QCRV bây giờ thu mình trong những mẩu giấy bé hơn bao diêm, dính lên chuông cửa, cổng nhà, "ăn" đến độ bóc không ra. Không chỉ có nét viết bằng vôi thông thường, QCRV bây giờ được dùng bằng loại sơn như có dầu bóng không trôi, sơn phủ lên trên cũng "chẳng ăn thua". QCRV giờ còn là những tấm phông bằng chất liệu như băng rôn, đủ sắc màu bắt mắt, to nhỏ khác nhau, lúc lắc treo trên cành cây, cột điện. Điều đáng nói, QCRV ngày càng "leo cao" hơn so với cỡ thang mà người đi tháo dỡ có thể với tới, ngày càng nhắm những chỗ rối rắm dây điện nguy hiểm để "đứng" như thách thức những người làm nhiệm vụ xóa QCRV.

Cái khó không làm “ló” cái khôn

Không thể phủ nhận nỗ lực và nhiệt tình của những người làm văn hóa với việc xóa QCRV làm sạch đẹp phố phường. Điển hình, lần đầu tiên, quận Cầu Giấy, "tóm" được chủ của QCRV. Quận Đống Đa, huyện Từ Liêm bắt được các đối tượng đang thực hiện dán, treo QCRV… Song, Trưởng phòng VHTT quận, huyện nào cũng "nói thật": "Không có kinh phí thì chẳng xóa được QCRV đâu!". Bởi ngoài kinh phí để mua các loại sơn phủ - một khoản không nhỏ vì cần nhiều màu khác nhau, người ta còn tốn không biết bao nhiêu dụng cụ (bàn chải sắt, bình xịt nước…) để xóa các QCRV dán bằng giấy. Lại còn kinh phí bỏ ra để thuê người đi làm các công việc bóc xóa, tháo dỡ băng rôn… Mà QCRV cứ tái diễn liên tục, xóa cái này lại "mọc" cái khác.
 
Mình ngành văn hóa  không kham nổi! - Ảnh 1
Phát tờ rơi quảng cáo làm cản trở giao thông và gây mất mỹ quan đô thị trên phố Tây Sơn. Ảnh: Thanh Hải

Sáng tạo như ở xã Thượng Cát (huyện Từ Liêm), những bức tường sau khi được phủ một lớp sơn xóa QCRV, người ta đã in lên đó những khẩu hiệu cộng đồng "Bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe con người!". Nhưng những biến thái của QCRV không kịp để cho những sáng tạo ấy phát huy tác dụng. Bởi "Bây giờ xóa số điện thoại quảng cáo bằng sơn cực khó. Người ta dùng sơn có pha loại dầu gì đó mà các loại sơn khác quét lên trên không ăn thua, dùng xăng cũng không thể xóa nổi. Chỉ cần sau một trận mưa, số điện thoại lại hiện lên rõ mồn một. Chúng tôi lại phải đi tìm loại dung dịch nào có thể "xử lý" được loại sơn này chứ! Công việc không hề đơn giản!" - ông Lê Bình Minh, Phó trưởng phòng VHTT huyện Từ Liêm chia sẻ.

Ngay cả khi đã bắt được các đối tượng thực hiện QCRV cũng khó xử phạt hành chính 500.000 - 1.000.000 đồng/QCRV, dù quy định đã có. Vì đa số đối tượng này là người nghèo đi làm thuê, không có tiền nộp phạt, cũng không thể giữ người ta lâu. Ông Ngô Minh Tuấn, Trưởng công an xã Thượng Cát cho biết: "Chúng tôi được giao việc xử lý đối tượng vi phạm QCRV, đã đi tuần tra và bắt được người đang treo quảng cáo nhưng chỉ có thể xử phạt bằng hình thức lao động công ích. Quy trình xử phạt chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều lúng túng cho người thực hiện".

Rồi chính tình trạng “trăm hoa đua nở“ của sim, thẻ điện thoại cũng như "tiếp tay" cho QCRV tung hoành. Và chuyện quản lý số thuê bao điện thoại QCRV trở nên nan giải, nếu không muốn nói là chẳng nghĩa lý gì, vì "không ai chịu nộp phạt để lấy lại số điện thoại cả!". Một cán bộ của Sở TT&TT chỉ ra thực tế không thể phủ nhận: "Người ta bỏ ra 50.000 - 60.000 đồng mua một sim rác thì ngành văn hóa phải mất đến 500.000 - 600.000 đồng để bóc xóa QCRV". Tốn kém và vất vả như vậy, nhưng hiệu quả cũng chỉ trong gang tấc. Đấy là chưa kể, quy trình xử phạt chậm, thiếu cụ thể, trong khi số điện thoại QCRV cũng biến thái liên tục, khiến cho người trong cuộc còn "bị oan". Thế nên, chính người làm văn hóa ở các quận, huyện cũng chần chừ với việc gửi số điện thoại QCRV vi phạm lên Sở TT&TT đề nghị dừng phục vụ. Ông Minh cho biết: "Từ Liêm còn tới 3/4 số điện thoại không dám đề nghị nữa để chờ quy trình mới".

Hành trình chấn chỉnh QCRV đã đi và vẫn còn tiếp tục, đã lên dốc và cũng có lúc xuống dốc, song phải khẳng định, việc này ở Hà Nội chưa bao giờ và không thể dừng lại. Thực tế cũng cho thấy, đây là việc làm vất vả và tốn kém, không dễ thực hiện triệt để. Các nhà quản lý thành phố đang nỗ lực làm và rút kinh nghiệm, cải tiến để công việc được hiệu quả hơn. Nhưng có lẽ nói như trưởng phòng VHTT một huyện là rất đúng: "Một mình ngành Văn hóa không thể kham nổi!". Dự thảo Quy trình xử lý vi phạm QCRV mới đang "lấy ý kiến" ở cấp cơ sở, hy vọng các nhà quản lý cũng nghe và thấu được cái khó của những người trong cuộc./.