Người dân cùng nhau phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phát triển kinh tế, làm sống dậy một vùng đất hẻo lánh nằm xa trung tâm TP Hà Nội gần 40km. Vậy nhưng 33 năm trôi qua, họ vẫn “sống chui” trên mảnh đất mà mình khai hoang, vì chưa được cấp sổ đỏ.
|
Nhà cửa khang trang của người dân thôn Minh Tân nhưng đều công trình được xây dựng... chui |
Dân có trước, rừng có sau33 năm trước, 79 hộ dân đầu tiên đặt chân đến với khu vực hồ Đồng Đò, bắt đầu công cuộc khai phá vùng đất hoang sơ này. Những ngày mới đến vùng kinh tế mới, đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Các hộ được hỗ trợ 6 tháng lương thực, tính bằng tiêu chuẩn mua tem phiếu, tương ứng với 14kg gạo/tháng. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Thiếu điện, không có nước sạch, hạ tầng y tế - văn hóa - giáo dục… cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Địa phương đã phối hợp với các sở, ban, ngành tiến hành đo đạc hiện trạng, lấy ý kiến người dân, thành lập hội đồng xét duyệt. Hiện, đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chúng tôi cũng mong sớm có bản đồ để người dân thôn Minh Tân yên tâm sinh sống, sản xuất và việc quản lý địa bàn cũng sẽ dễ dàng hơn.Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn |
Bà Nguyễn Thị Nhạ, đội 3, thôn Minh Tân nhớ lại, năm 1985, khu vực hồ Đồng Đò rộng hàng nghìn hécta chỉ toàn đất đai bạc màu, đồi núi trọc. Người dân hò nhau đào đá hộc để lấy đất trồng sắn, lấy củ mài mọc dưới chân đá để ăn. Trên diện tích đất khai hoang, chỗ gần hồ chứa nước, bà con đắp ruộng, cao hơn thì trồng sắn, trên cùng là trồng cây gây rừng. “Ăn củ mài để lấy sức trồng rừng, nhưng nhà nào cũng khai phá được vài hécta. Người đến cư ngụ rồi mới có rừng, nên rừng nay có được đều là nhờ dân khai hoang…” - bà Nhạ cho biết.
Tính đến năm 1988, đã có 380 hộ dân tìm đến làm kinh tế mới ở khu vực hồ Đồng Đò. Cũng vào năm này, thôn Minh Tân được UBND xã Minh Trí kiện toàn, có trưởng thôn, thành lập được chi bộ. Dù vậy, dịch sốt rét hoành hành những năm 1987 - 1991 đã khiến hàng chục người dân không qua được đại nạn. “Do nằm xa trung tâm, điều kiện tiếp cận y tế hạn chế nên rất nhiều người đã không qua khỏi. Ông nội và bố tôi cũng đã qua đời vì bệnh sốt rét” - Trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường, một trong số những người đầu tiên đặt chân đến khai hoang nơi vùng hồ Đồng Đò chia sẻ. Đời sống khó khăn, cộng thêm dịch sốt rét hoành hành nên số lượng hộ bám trụ tại vùng hồ Đồng Đò giảm dần. Đến nay, thôn Minh Tân chỉ còn lại 206 hộ dân.
Nhiều năm trước, người dân thôn Minh Tân vẫn lên núi nhặt củi, đốt than kiếm sống. Sau đó, để bảo vệ nguồn nước, môi trường sống và tài nguyên rừng, người dân vận động nhau bỏ nghề đốt than. Từ 80% số hộ tham gia đốt than, nay cả thôn chỉ còn lại 2 hộ. Các hộ chuyển sang đi làm thuê, nuôi ong, chăn thả gia súc, gia cầm... Đặc biệt, cây đào phai được phát triển từ năm 2015 trên vùng kinh tế mới đã mang lại thu nhập khá, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế cho người dân nơi đây.
Không ít lần lỡ hẹn... sổ đỏSau 33 năm, vùng kinh tế mới Minh Tân nay đã có nhiều đổi thay tích cực. Con đường nhựa chạy dài từ Tỉnh lộ 35 được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng hồ Đồng Đò. Đặc biệt, từ năm 2000, trong chuyến thăm vùng kinh tế mới, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn kéo điện vào cho người dân thôn Minh Tân. Có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân cũng được nâng cao.
Từ ngày con suối được ngăn lại, du lịch tại khu vực hồ Đồng Đò cũng phát triển hơn với nhiều nhà hàng, khu nghỉ dưỡng được mọc lên. Đến nay, thôn Minh Tân đã có điểm trường mầm non, trạm y tế, nhà văn hóa… Đường giao thông dẫn đến từng ngõ, xóm. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn băn khoăn một nỗi: Họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ cho mảnh đất đã khai hoang 33 năm về trước.
|
Ngành du lịch đang manh nha tại vùng kinh tế mới thôn Minh Tân. Ảnh: Trọng Tùng |
Lý giải về điều này, Chủ tịch UBND xã Minh Trí Dương Văn Nhuận cho rằng: Lỗi một phần không nhỏ là do sự tắc trách của cán bộ địa phương thời bấy giờ. Trong lần đo đạc đầu tiên để lập bản đồ địa chính vào năm 1992, vùng kinh tế mới Đồng Đò không được đề cập tới. Có lẽ do đường sá xa xôi, cán bộ địa phương không đến được với ngôi làng này. Đến năm 1993, khi bản đồ địa chính được công bố và không có thôn Minh Tân, UBND xã Minh Trí đã có văn bản đề nghị bổ sung vào quy hoạch và vẽ lại bản đồ. Năm 1998, Sở NN&PTNT Hà Nội làm bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ - đặc dụng dựa vào bản đồ địa chính năm 1993. Không tấc đất nào của thôn Minh Tân được phân tách, đồng nghĩa với việc hàng trăm hộ dân vùng kinh tế mới vẫn nằm trong quy hoạch rừng.
Mãi đến ngày 29/3/2006, UBND huyện Sóc Sơn mới ban hành Quyết định số 838/QĐ-UB, thành lập tổ công tác thực hiện việc thống kê số hộ cần đo bản đồ địa chính tại thôn Minh Tân, Ban Tiện (xã Minh Trí) và sơ bộ khảo sát diện tích thực tế cần phải đo đạc. Thế nhưng, khi thực hiện quyết định trên, một lần nữa thôn Minh Tân không được đưa vào bản đồ địa chính.
Theo trưởng thôn Minh Tân Nguyễn Đình Cường, bà con ngày đó được tham gia kiểm đếm, nhưng khi thực hiện, UBND huyện Sóc Sơn chỉ xác nhận cho mỗi hộ gia đình 400m2 đất ở, còn lại là đất rừng sản xuất. “Các hộ dân đã vô cùng bức xúc, bởi từ ngày đặt chân đến với vùng kinh tế mới, có hộ gia đình đã khai hoang, cải tạo quỹ đất vườn liền kề, đất sản xuất nông nghiệp rộng đến hàng nghìn mét vuông. Nay chính quyền chỉ cấp cho 400m2 đất thì người dân không chấp nhận được…” - ông Cường nói.
Chưa có sổ đỏ, vẫn đóng thuế đấtChưa được đưa vào bản đồ địa chính nên đến nay, 206 hộ dân thôn Minh Tân vẫn nằm trong Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2234/QĐ-UBND ngày 11/6/1998. Quy hoạch này được lập căn cứ trên bản đồ địa chính mà trước đó cán bộ xã Minh Trí đã “bỏ quên” thôn Minh Tân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên trưởng thôn Minh Tân giai đoạn trước năm 2003 cho biết, dù chưa có sổ đỏ, nhưng từ năm 2003 đến nay, các hộ dân sinh sống tại vùng kinh tế mới vẫn đóng thuế sử dụng đất đầy đủ theo quy định của Nhà nước. “Do nằm trong quy hoạch nên người dân không được cấp sổ đỏ. Nhà cửa khang trang là vậy, nhưng 100% là nhà xây không phép…” - ông Hùng chỉ tay về phía những dãy nhà kiên cố nằm san sát, nói. Không chỉ vậy, do chưa có sổ đỏ nên hàng trăm hộ dân nơi đây cũng không có tài sản để thế chấp, vay vốn phát triển kinh tế.
Suốt hơn ba thập kỷ qua, người dân vùng kinh tế mới Đồng Đò đã nỗ lực vượt khó, khai hoang vùng đất cằn đá sỏi, biến nơi đây thành mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. UBND TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất này.
Giờ đây, khi toàn bộ vùng kinh tế mới được xác định nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ - đặc dụng, nhiều người dân thôn Minh Tân không chỉ ngỡ ngàng, mà còn bày tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở lớn: Cơ sở hạ tầng Nhà nước đầu tư, nhà cửa, ruộng vườn mà bà con dày công gây dựng hàng chục năm qua sẽ được xử lý ra sao? Quyền lợi của hàng trăm hộ dân sẽ được phân định như thế nào? Có lẽ hơn ai hết, người dân thôn Minh Tân đang mong ngóng từng ngày được nhìn thấy chiếc sổ đỏ, để không còn phải “sống chui” ở vùng kinh tế mới, như đã từng trong suốt 33 năm qua.
“Năm 1998, Sở NN&PTNT Hà Nội lập bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn trên cơ sở điều tra hiện trạng đất rừng của huyện. Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ hiện nay, có thể thấy phần lớn diện tích rừng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, chỉ có được sau khi các hộ dân đến khai hoang vùng kinh tế mới Đồng Đò vào năm 1985. Hiện, Sở đang yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn rà soát hồ sơ, đánh giá lại công tác điều tra hiện trạng rừng từ những năm 1998. Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ kiến nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, xem xét việc phân tách diện tích rừng thôn Minh Tân ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ - đặc dụng huyện Sóc Sơn…”. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ |