Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở cho vay ngoại tệ - đích đến nhiều mục tiêu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức mở cửa cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ trở lại.

Điều này được kỳ vọng vừa khuyến khích được DN xuất khẩu vừa hạn chế được các trường hợp trục lợi từ chính sách như đã từng diễn ra thời gian qua.

Thêm lựa chọn tín dụng cho DN

Theo NHNN, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các DN trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn. Gần đây nhất, các DN thủy sản liên tục kiến nghị về việc mở trở lại việc cho phép vay ngoại tệ.
Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chi phí lãi vay USD cao hơn lãi VND khiến giá các mặt hàng xuất khẩu tăng, gây ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc một công ty may, cho biết: “Lãi vay VND đang cao hơn lãi suất vay ngoại tệ xấp xỉ 6%, thậm chí còn cao hơn nếu lãi suất VND biến động mạnh trong thời gian tới. Với kim ngạch xuất khẩu dệt may ước tính năm 2016 ở mức 28 tỷ USD như dự báo của Bộ Công Thương, DN trong ngành phải chi thêm gần 6.000 tỷ đồng từ việc chênh lệch lãi suất khi mua nguyên liệu trong nước”. Trong nhiều giai đoạn, dù có những biến động và rủi ro tỷ giá nhưng tín dụng ngoại tệ là nguồn vốn có lãi suất vay thấp hơn nhiều so với lãi vay VND, tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu vay vốn giảm thiểu chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia TS Trương Văn Phước cho rằng, hiện nay, với lãi suất 0%, lượng lớn ngoại tệ vẫn nằm trong dân cư, thậm chí chuyển và gửi ra nước ngoài. Tranh thủ nguồn lực này là cần thiết. Thứ nhất, được vay ngoại tệ, một nguồn vốn khá lớn còn “thừa” ở ngoại tệ, được bơm trở lại cho DN vay, tạo thêm nguồn cung. Thứ hai, có thêm nguồn cung này, nhu cầu vay VND được chia sẻ và giảm bớt áp lực. Cả hai yếu tố này đều góp thêm thuận lợi cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay, vừa khuyến khích được DN xuất khẩu vừa hạn chế được các trường hợp trục lợi từ chính sách như đã từng diễn ra thời gian qua.

Sẽ thay đổi chính sách lãi suất USD 0%?

Theo các chuyên gia, với việc cho vay trở lại ngoại tệ, NHNN cần phải quan tâm một số điểm. Đó là việc các DN sẽ có rủi ro về tỷ giá. “Lúc vay thì bằng USD, sau đó lại bán cho ngân hàng lấy VND để lấy tiền sản xuất kinh doanh. Khi đến hạn trả, họ lại phải trả bằng USD và phải tính đến rủi ro tỷ giá. Ngoài ra trên phương diện vĩ mô, việc quyết định cho vay USD trở lại các DN xuất khẩu cũng sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, điều này sẽ làm ảnh hưởng sự ổn định của tỷ giá trong thời gian tới" - TS Cấn Văn Lực phân tích.

Tại các cuộc họp với NHNN gần đây, các ngân hàng cũng đã kiến nghị NHNN có chính sách linh hoạt hơn, song vấn đề còn lại là liệu khi nào thì quy định lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0% được thay đổi. Lúc đó Thông tư 07/TT - NHNN mới thật sự phát huy tác dụng vì dự báo cầu ngoại tệ sẽ tăng mạnh sau ngày 1/6. Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng, với quyết định mới, các DN lại được vay USD trở lại. Tuy nhiên, quy định này chỉ dành cho duy nhất một đối tượng là "các DN vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam". Quy định có hiệu lực từ 1/6/2016, và chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016 cho thấy sự thận trọng của NH T.Ư. Theo dự báo của các chuyên gia, tỷ giá tiếp tục chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi, khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động, đồng thời phụ thuộc vào khả năng FED có tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trong thời gian tới hay không. Vậy nên với động thái mở từ từ van tín dụng ngoại tệ, khả năng lãi suất huy động USD sẽ thay đổi nhưng sẽ ở mức độ rất thận trọng.
Lãi suất huy động đồng loạt giảm

Trong vòng một tuần trở lại đây, một số các ngân hàng rục rịch hạ lãi suất huy động như Sacombank, VPBank, Eximbank, ACB… Mức điều chỉnh lãi suất tương đối nhẹ, từ 0,1 – 0,3%/năm, ở cả các kỳ hạn ngắn lẫn dài. Như vậy, sau nhiều đợt tăng lãi suất huy động liên tiếp, đây được xem là lần điều chỉnh giảm đầu tiên của các ngân hàng thương mại suốt nhiều tháng qua.