Nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm lan rộng và các hệ quả xã hội nghiêm trọng. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Mở cửa nền kinh tế là chủ trương hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, các biến thể của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và luôn luôn thay đổi, rất khó để triệt tiêu hoàn toàn. Trong khi đó, việc đóng cửa nền kinh tế tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội nói chung và "sức khỏe" của các DN nói riêng.Chiến lược mới hiện nay không thể chờ hết dịch Covid-19 mới mở cửa nền kinh tế, nhưng cũng không thể nói là mở và thả lỏng hoàn toàn. Do đó có mấy điểm cần chú ý.
Thứ nhất, những quyết sách đưa ra phải trên quan điểm thông tin số liệu, phân tích dự báo, mở cửa dần trên cơ sở thông tin dữ liệu khoa học chứ không cảm tính. Điều này chắc chắn ngành y tế phải tham mưu. Khảo sát các nước, đầu tiên họ quan tâm số lượng ca nhiễm nặng, hai là số ca tử vong, ba là năng lực y tế, bốn là mức độ bao phủ vaccine, là các yếu tố cần quan tâm.Thứ hai, Bộ Y tế nên xem vùng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào dễ bị lây nhiễm sau đó phân nhóm những lĩnh vực rủi ro và lĩnh vực ít rủi ro để hạn chế lây lan dịch bệnh. Theo đánh giá của tôi, những lĩnh vực nguy cơ lây nhiễm thấp như nông nghiệp, những hoạt động ngoài trời, xây dựng. Còn những ngành nghề nguy cơ lây nhiễm cao như vận tải hàng không, vận tải công cộng, quán bar, karaoke, phòng tập, cơ sở giáo dục đào tạo.Thứ 3, cần phải có kịch bản hướng dẫn chung của toàn quốc để các địa phương căn cứ vào đó coi như kịch bản ứng phó. Có thể chấp nhận một số khác biệt trong biện pháp chống dịch nhằm đáp ứng khả năng y tế của từng địa phương, nhưng chúng ta cần xác định các ngành sản xuất dịch vụ đòi hỏi tính liên kết cao giữa các địa phương để có biện pháp giải tỏa thông suốt liên tỉnh, có biện pháp nhất quán từ trung ương. Nếu không 63 tỉnh, thành lại có 63 kịch bản phục hồi kinh tế khác nhau và biện pháp phòng ngừa khác nhau sẽ gây khó cho DN. Cần có những quy chuẩn áp dụng chung trên cả nước, ví dụ, hàng thiết yếu phải quy định trên toàn quốc; dịch vụ vận tải phải liên thông áp dụng trên toàn quốc chứ không phải mỗi tỉnh một kiểu. Còn những dịch vụ như ăn uống ăn tại chỗ hay về nhà đó là việc của địa phương đó.Thứ 4, cần phải có kịch bản phương án hướng dẫn chi tiết khi có ca dịch. Chẳng hạn một nhà máy hay cửa hàng, siêu thị, quán ăn có F0 lúc bấy giờ họ phải làm gì? Bộ Y tế phải có hướng dẫn để DN căn cứ vào đó lên kịch bản riêng nhằm đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất liên tục.Thứ 5, phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới thay thế bù đắp cho những gì khó khăn hiện nay. Cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế cho kinh tế số; kinh doanh số mở đường cho kinh doanh mới… cái đó không thể chậm trễ được.Thứ 6, đảm bảo cho hoạt động của các đầu tàu kinh tế liên tục hơn, có ý nghĩa lan tỏa. Ví như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đóng cửa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng cả nước, do đó phải có chiến lược cho những đầu tàu kinh tế này. Cuối cùng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin triệt để trong phòng, chống dịch Covid-19.Nói về các đầu tàu kinh tế, ông đánh giá thế nào về các biện pháp chống dịch và lên phương án sản xuất kinh doanh hiện nay của các địa phương (phân vùng sản xuất, thẻ xanh Covid-19)?- Phải làm song song cả hai việc, chống dịch Covid-19 và phân vùng phân nhóm. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và tình hình không đồng nhất giữa các nơi, nên từng địa phương cần phân tách rõ vùng đỏ, vàng, xanh dựa trên kết quả xét nghiệm.Ví như TP Hồ Chí Minh, vùng đỏ tiếp tục giãn cách, xét nghiệm thường xuyên để đưa số F0 cộng đồng giảm dần, đồng thời giảm tử vong; đầu tư hơn cho dịch vụ và phương tiện trị liệu. Vùng vàng làm xét nghiệm PCR gộp, người dân được tham gia các dịch vụ thiết yếu có giới hạn. Vùng xanh làm xét nghiệm PCR gộp định kỳ, cho mở lại các dịch vụ cơ bản.Với Hà Nội, về lâu dài khoanh vùng phải chi tiết hơn ở mức độ phường, xã chứ không phải chỉ ở quận. Tôi không đồng ý vừa qua vùng đỏ là tất cả các quận nội đô. Có thể là giải pháp tình thế nhưng tiến tới phải phân vùng chi tiết hơn. Vì một quận của Hà Nội có khi bằng một tỉnh rồi.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, khu công nghiệp Phú Nghĩa. Ảnh: Hải Linh |