Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở đường cho thị trường khoa học công nghệ

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu của thị trường khoa học công nghệ rất lớn, nhưng các sản phẩm khoa học công nghệ vẫn gặp nhiều trở ngại khi thương mại hóa. Vì vậy, cần thêm các chính sách ưu tiên để thị trường khoa học công nghệ phát triển.

Mất cân đối cung - cầu

Phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ (KHCN) là một trong những giải pháp chủ yếu thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, việc phát triển thị trường KHCN của Việt Nam vẫn chậm so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thị trường phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh... Kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hóa KHCN vẫn còn rất hạn chế. Nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải DN nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa KHCN.

Ứng dụng KHCN trong phát triển công nghiệp (Ảnh: KHCN)
Ứng dụng KHCN trong phát triển công nghiệp (Ảnh: KHCN)
 

Hiện nay, cả nước có trên 800 tổ chức trung gian thị trường KHCN các loại đã được hình thành, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch vùng duyên hải Bắc Bộ, 1 cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KHCN và 1 nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiêp đang hoạt động có hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KHCN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Giá trị giao dịch hàng hoá KHCN tăng với tốc độ bình quân đạt 20,9%/năm...

GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất trong phát triển KHCN ở Việt Nam là tình trạng nhiều nhà khoa học chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường thương mại hóa, nên các kết quả nghiên cứu chưa được đưa vào thực tế ứng dụng nhiều. Mặc dù nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú và đa dạng, nhưng lượng hàng hoá KHCN từ những nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn. Rất ít DN lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KHCN công lập, và cũng rất ít DN lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức KHCN ngoài công lập.

Cùng chung quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Đức Nghiệm chỉ ra, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa DN, viện trường nhưng không triển khai được, do còn có sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý như Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, viên chức, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật DN, Luật Đầu tư…

Ông Phạm Đức Nghiệm lấy ví dụ về Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo quy định, kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Tổ chức KHCN thu được kinh phí từ việc thương mại hóa hầu hết phải nộp lại cho Nhà nước. DN tiếp nhận kết quả nghiên cứu phải hoàn trả 100% giá trị đầu tư ban đầu của Nhà nước bằng hoặc lớn hơn số tiền Nhà nước đã hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN.

Trong khi đó, con đường thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm đến sản xuất công nghiệp còn rất dài, cần đầu tư lớn, rủi do cao... Quy định như hiện tại không khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, DN không mặn mà tiếp nhận công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Mặt khác, các thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn khá phức tạp.

Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách khuyến khích thương mại hoá, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Đối với các DN, việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế hoặc không có

Chính sách cần cởi mở hơn

Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng,  cần có sự hỗ trợ, tiếp sức, để thị trường KH&CN không bị mất cân đối giữa cung và cầu. Trong đó, Nhà nước không chỉ tạo ra hành lang pháp lý cho thị trường KH&CN phát triển mà còn đóng nhiều vai trò khác nhau. Bên cạnh vai trò kích thích và là bên cung công nghệ, còn là bên cầu công nghệ, một số trường hợp tham gia trực tiếp như là tổ chức trung gian công nghệ. “Một nguyên tắc hàng đầu đó là không có giao dịch công nghệ thì không có thị trường KHCN” - ông Phạm Đức Nghiêm nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Trường Hải Thaco Phạm Văn Tài chia sẻ, Thaco luôn xác định đổi mới và nâng cấp công nghệ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng năng lực cạnh tranh. Vừa qua Bộ KH&CN đã rà soát, bãi bỏ một số quy định trong Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 1/10/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế thị trường KHCN còn nhiều rào cản.

Thaco cũng đề nghị Bộ KH&CN đơn giản hóa các thủ tục xem xét, rút ngắn thời gian hậu kiểm các giải pháp KHCN để nhanh chóng đưa vào sản xuất, gia tăng thị trường, đây là chìa khóa giảm giá thành, gia tăng hàm lượng công nghệ và tạo ra sản phẩm có tính khác biệt.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nhu cầu đổi mới công nghệ của DN Việt Nam trong thời gian tới rất lớn. Trong đó, hoàn thiện thị trường KHCN là giải pháp trọng tâm, lâu dài để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”. Trong đó, 4 ổn định là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.