Đầu tư bến, bãi đỗ xe tại Hà Nội:

Mở hành lang chính sách, đón nguồn vốn tư nhân

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện mới đáp được khoảng 10% nhu cầu bãi đỗ xe, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh hoặc chưa được xây dựng theo quy hoạch, hoặc bộc lộ nhiều bất cập trong hoàn cảnh mới.

Muốn đầu tư bài bản, phát huy hiệu quả tối đa hệ thống giao thông tĩnh đồ sộ, phức tạp này cần phải có một hành lang cơ chế, chính sách thích hợp, khơi thông nguồn vốn xã hội hóa.

Bài 1: “Mỏ vàng” chờ đánh thức

Hệ thống bến, bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe của Hà Nội đã từng trải qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch từ thời điểm chưa mở rộng địa giới hành chính (trước năm 2008) cho tới nay.

Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế triển khai các quy hoạch trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, “mỏ vàng” giao thông tĩnh vẫn "ngủ say", trong khi lợi nhuận bị xé nhỏ, rơi vào túi các cá nhân, không được tái đầu tư cho hạ tầng.

Bến, bãi “lậu” có tỷ lệ áp đảo

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, toàn TP có 8 bến xe khách liên tỉnh lớn với tổng diện tích khoảng 17,7ha bao gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, Trôi, Phùng. Các bến xe khách Đông Anh, Cổ Bi mới đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Ngoài ra, TP có 4 bến xe tải với diện tích khoảng 5,74ha gồm: Xuân Phương, Yên Viên, Ngũ Hiệp, Thanh Trì. 6 bãi đỗ xe tải với diện tích khoảng 5,28ha gồm: Tam Trinh, Đền Lừ, Gia Thụy, Long Biên, Liên Ninh, Hải Bối, Dốc Vân.

Song song với các bến, bãi có kiểm soát này, khắp khu vực từ nội thành đến ngoại ô Hà Nội, hàng loạt điểm tập kết, đón trả hành khách và hàng hóa tự phát của xe khách, xe tải mọc lên như nấm. Trong ngõ nhỏ, trên đường phố, hay đất dự án, đất công bỏ hoang đâu đâu cũng có thể trở thành văn phòng xe khách, điểm bốc xếp, lưu kho bãi, vừa gây mất an ninh, trật tự ATGT, vừa gây thất thoát một khoản tiền thuế không nhỏ cho TP.

Tương tự là thực trạng của hệ thống điểm trông giữ xe. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới bãi đỗ xe công cộng của TP chủ yếu tập trung bên trong Vành đai 4, tổng số có 57 điểm đang được khai thác sử dụng với diện tích khoảng 44,37ha.

Trên thực tế, Hà Nội hiện có tới gần 7 triệu phương tiện, với trên 600.000 ô tô. Hệ thống điểm trông giữ xe được TP đầu tư cấp phép và có thu thuế chỉ đủ sức đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của người dân. 90% lượng xe còn lại được trông giữ như thế nào, tiền chảy vào túi ai chưa được làm rõ.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Hàng triệu chiếc xe ô tô, xe máy không thể cứ chạy trên đường, khi dừng đỗ thì biến mất. Phải có người trông giữ, kiếm lời từ việc đó trong khi TP là chủ thể đầu tư hạ tầng, pahir bỏ tiền duy tu, duy trì những chẳng nhận lại được xu nào”.

Tổng thể hệ thống bến, bãi, điểm đỗ xe công cộng của Hà Nội hiện chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành. Khảo sát của Sở GTVT Hà Nội đã chỉ ra, khoảng 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án.

Rõ ràng, công tác đầu tư các bến bãi đỗ xe còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Nhiều khu vực đã được định hướng trong quy hoạch là bến, bãi đỗ xe nhưng chưa được nghiên cứu hình thành dự án. Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Hà Nội chưa chú trọng đúng mức, chưa tập trung khai thác Kinh tế giao thông, dù rằng đây là mọt “mỏ vàng” thực sự, có thể tiếp thêm nguồn lực rất lớn cho tái đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Chậm chạp, đứt quãng

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, sau khi Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt (năm 2011), Quy hoạch GTVT Thủ đô cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Sở GTVT đã tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1218/QĐ - UBND ngày 8/4/2022.

Theo đó, định hướng quy hoạch hệ thống bến xe khách, xe tải trên địa bàn đã được làm rõ chi tiết về số lượng, quy mô. Đây có thể coi là khâu hoàn chỉnh kịch bản cho việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội trong nhiều thập kỷ tới.

Về cơ chế chính sách, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 2 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực giao thông, trong đó có nội dung khuyến khích đầu tư xây dựng bến, bãi dỗ xe là: Nghị Quyết số 03/2013/NQ-HĐND (năm 2013); và Nghị quyết số 07/2019/NQ - HĐND (năm 2019). Những Nghị quyết này có tính chất đặc biệt quan trọng, bước đầu mở ra hành lang để thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông tĩnh.

Tuy nhiên, trong số 7 bến xe quy hoạch dài hạn, mới chỉ có một bến (Yên Nghĩa) được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện trạng khai thác của bến xe này bị cho rằng kém hiệu quả, chưa tương xứng với suất đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là vị trí quy hoạch không phù hợp. Hai bến xe đã có dự án và chủ trương đầu tư gồm: Đông Anh, Đông Bắc (Cổ Bi) còn đang triển khai khâu thủ tục, tiến độ rất chậm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ba bến xe đang triển khai thủ tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng phải tạm dừng chờ phê duyệt Quy hoạch chính thức gồm: Bến phía Bắc (Sóc Sơn), Bến phía Nam, Bến phía Tây (Hoài Đức). Đáng nói, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với ba bến xe này đã bắt đầu từ năm 2019, tuy nhiên do quy mô diện tích các bến xe theo chỉ đạo của UBND TP có thay đổi so với Quy hoạch GTVT đã được duyệt, do vậy phải tạm dừng chờ điều chỉnh. Bến xe khách Phùng tại khu vực giao giữa đường Vành đai 4 với QL32 (Đan Phượng) còn chưa được nghiên cứu đầu tư.

Đối với hệ thống bến xe tải, hiện mới có một bến Yên Viên đã hình thành tại khu vực nút giao QL1A - QL3 mới (Gia Lâm). Còn lại một số bến xe vẫn đang trong quá trình triển khai thủ tục để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hoặc tạm dừng thực hiện chờ phê duyệt quy hoạch chính thức như: Bến phía Bắc (Nội Bài), Bến phía Nam (Thanh Trì), Bến phía Tây Nam (Hà Đông)... Bốn bến chưa nghiên cứu triển khai đầu tư gồm: Bến phía Đông Bắc - Phủ Lỗ, Bến phía Đông, Bến Khuyến Lương, Bến Phùng.

Hệ thống bãi đỗ xe còn nghèo nàn, khó khăn hơn nữa. Thời gian qua, toàn bộ bãi đỗ xe thuộc khu vực đô thị trung tâm (trong Vành đai 4) đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa với tổng số 107 dự án. Thực tế mới có 57/107 dự án hoàn thành và 50 dự án vẫn đang triển khai; hầu hết các dự án đều phải gia hạn thời gian thực hiện và điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết: Việc thiếu bến, bãi đón trả khách, tập kết hàng hóa ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là hệ thống logistic của Thủ đô. Dù có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có tuyến đường sắt Quốc gia chạy qua, có lợi thế về đường thuỷ, đường bộ vô cùng lớn, nhưng Hà Nội lại thiếu các bến, bãi quy mô lớn vốn được coi là những chiếc đinh neo góp phần định hình hệ thống vận tải hàng hóa cũng như hành khách.

(Còn nữa)