Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh:

Mô hình chính quyền đô thị hiện nay ở Hà Nội là phù hợp

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội hiện nay là phù hợp. Những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị đều có thể xử lý được.  

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 - Ảnh: VGP.

Bỏ HĐND cấp phường vẫn phát huy được vai trò giám sát của người dân

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức sơ kết 6 tháng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 trực tuyến tới xã, phường. Các bộ, ngành đều rất quan tâm đến Hà Nội. Hội nghị đã thành công với việc đánh giá những việc làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm để cụ thể hóa, triển khai ngay các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo thêm, thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai chính quyền đô thị với việc bỏ HĐND cấp phường. Việc này cần phải tổng kết để có sự đồng bộ cũng như mô hình tốt nhất cho Hà Nội.

Hà Nội đã tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ để luật hóa các lĩnh vực trong Luật Thủ đô để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét trong tháng 10/2023. Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố đã họp, đánh giá, tổng kết và khẳng định mô hình đang áp dụng hiện nay là phù hợp với trình độ phát triển, quy mô dân số, hợp lý về khoa học tổ chức.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội. 
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội. 

“Bỏ HĐND cấp phường giúp chính quyền phường chủ động hơn rất nhiều; giảm bớt thủ tục quy trình, quan hệ công việc, giúp nhanh hơn trong xử lý công việc khi trực tiếp quản trị. Ở cấp phường khi bỏ HĐND vẫn phát huy được vai trò giám sát của người dân bởi Hà Nội đã được tăng số lượng đại biểu HĐND cấp quận, trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền phường. Bên cạnh đó, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường do HĐND quận thực hiện là phù hợp” - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phân tích.

Đề xuất thêm biên chế cho các phường

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng dẫn chứng, khi triển khai các biện pháp chống dịch, phòng dịch, dù bỏ HĐND cấp phường, nhưng hệ thống chính trị vẫn hoạt động tốt; mọi quyết định, công việc thường xuyên đột xuất được xử lý kịp thời.

Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, đây là mô hình phù hợp, giữ được các nguyên tắc về tổ chức Nhà nước Pháp quyền.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội hiện nay là phù hợp. 
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội hiện nay là phù hợp. 

Với những vấn đề vướng mắc, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách và khẳng định: "về mặt kỹ thuật chúng tôi tin có thể xử lý được".

Về biên chế, Chủ tịch UBND thành phố nêu con số, bình quân dân số mỗi phường là 25.000 người (bình quân tiêu chuẩn là 15.000 người), có phường có số dân hơn 100.000 người… nhưng biên chế rất ít. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị: “Mong Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm thêm biên chế cho các phường”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ấn tượng với việc phân cấp của Hà Nội và cho rằng, đây là cách làm có thể nhân rộng cách làm này trên phạm vi cả nước. Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề xuất: “Chính phủ đang quyết liệt vấn đề này, đề nghị các bộ ngành phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho địa phương; phân cấp các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ cho các bộ trong các lĩnh vực như đất đai, quản lý môi trường. Như thế chắc chắn công việc sẽ trôi chảy hơn”.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng  Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta trong giai đoạn mới.

Thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ; tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, còn nhiều rườm rà, vướng mắc trong hoạt động nội bộ của các cơ quan Nhà nước và trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn tới ách tắc trong giải quyết công việc…  Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại các công việc trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân thì ta hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục, công việc một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý những ách tắc trong giải quyết công việc.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, cần nghiên cứu để triển khai kết nối trực tuyến tới tận cấp xã; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho cấp xã - nơi sát dân nhất, gần dân nhất, đến với người dân nhanh nhất, trực tiếp tiếp xúc, làm việc nhiều với người dân và doanh nghiệp.