Mô hình "Cụm an ninh liên kết vùng giáp ranh": Xóa khoảng trống an ninh trật tự

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội nối liền các tỉnh phía Bắc với hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không.

 Chính điều kiện này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của Hà Nội ngày càng phát triển, an ninh trật tự (ANTT) có nhiều chuyển biến tích cực. Có được kết quả này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của mô hình Cụm an ninh liên kết (ANLK).

Thắt chặt mối quan hệ

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo ANTT tại các địa bàn giáp ranh, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn công an các quận, huyện, thị xã thống nhất quy trình xây dựng cụm ANLK bảo vệ ANTT trên địa bàn. Qua đó, công an các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn ANTT vùng giáp ranh. Đối với các xã, phường, thị trấn trong cụm liên kết, lực lượng công an là thành viên đã tham mưu cho chính quyền cấp cơ sở tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ), phong trào Nhân dân tự quản về ANTT ở khu dân cư. Mặt khác, chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp tuần tra, tham gia giải quyết các vụ việc xảy ra ở địa bàn giáp ranh, không để phát sinh tội phạm. Sau khi được củng cố, kiện toàn, các cụm ANLK đã đáp ứng được yêu cầu công tác giữ gìn ANTT khu vực giáp ranh.
Công an thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ hội ý trước khi đi tuần tra, kiểm soát. Ảnh: Nguyễn Trường

Từ thực tế triển khai, đã có nhiều mô hình cụm ANLK phát huy hiệu quả. Trong đó, phải kể đến cụm liên kết xóa sơ hở vùng giáp ranh giữa các địa phương của TP và các tỉnh liền kề, như: Cụm ANLK huyện Chương Mỹ và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình); huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức và huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam); huyện Phú Xuyên và huyện Kim Động, Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam); huyện Mê Linh và thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc)… Nhiều năm về trước, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ luôn được nhắc đến là một địa bàn phức tạp bởi có nhiều loại tội phạm. Nhưng, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, nhất là công an các xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ và Lương Sơn tăng cường tuần tra, kiểm soát nên tình hình tội phạm đã giảm rõ rệt.

Ông Nguyễn Văn Ba, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ phấn khởi bộc bạch: Trước khi thành lập cụm liên kết, tình hình ANTT diễn biến rất phức tạp, bởi nơi đây luôn được coi là địa bàn “đắc địa” để đối tượng xấu gặp gỡ, trao đổi hàng hóa. Nhiều đối tượng tranh thủ hoạt động trộm cắp, cướp giật tài sản, buôn bán ma túy làm ảnh hưởng đến ANTT khiến người dân lo lắng. Nhưng, từ ngày thành lập rồi đi vào hoạt động, cụm ANLK Chương - Quốc - Lương với 20 đơn vị, cơ quan, trường học của huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và huyện Lương Sơn khiến đối tượng xấu không còn manh động nữa, ANTT vùng giáp ranh từng bước được ổn định. Các loại hình tội phạm giảm hẳn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy từng bước được ngăn chặn, người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Chia sẻ với phóng viên về kết quả đạt được, Chủ tịch UBND xã Châu Can, huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Tạ cho biết: “Là một trong những xã thuộc địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Nam. Nhưng, nhờ làm tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, trong đó lực lượng công an đã thực hiện được vai trò nòng cốt, giải quyết nhanh các vụ việc tại cơ sở, giúp ổn định tình hình, không để xảy ra thành điểm nóng, phức tạp. Đặc biệt, từ khi xây dựng mô hình cụm ANLK giữa xã Châu Can và các xã Bạch Thượng, Duy Minh, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), nhiều đối tượng cộm cán đã phải “chùn tay” chuyển hướng làm ăn. Chính vì vậy, gần 10 năm nay, những vụ “trộm cắp vặt” không còn xảy ra trên địa bàn”.

Nhân rộng mô hình

Trung tá Nguyễn Thành Trung - Phó Trưởng Công an huyện Chương Mỹ cho biết, để phong trào thực sự đạt kết quả, các đơn vị thành viên trong cụm ANLK thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, thông báo cho người dân nhận diện được loại hình tội phạm mới để thực hiện tốt công tác phòng ngừa. Mặt khác, thành viên của 7 cụm ANLK trên toàn địa bàn và các huyện liền kề thường xuyên họp giao ban hàng tháng. Thông qua các cuộc giao ban, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã trao đổi thông tin nghiệp vụ, phối hợp xác minh giải quyết các vụ việc. “Ban đầu, chỉ có một số đơn vị, cơ quan, địa phương tham gia cụm ANLK. Sau 13 năm hoạt động, đến nay mô hình này đã có hơn 50 cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn tham gia. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi nhờ đó ý thức giữ gìn ANTT, phòng ngừa tội phạm của cán bộ và người dân đã được nâng cao” - Trung tá Nguyễn Thành Trung cho biết thêm.

Trao đổi về hiệu quả của mô hình Cụm ANLK, Đại tá Nguyễn Đình Chiến - Trưởng Công an huyện Phú Xuyên chia sẻ: “Ngày 25/9/2009, Công an TP ban hành Kế hoạch số 141/KH-BCĐ về việc phối hợp “Liên kết an toàn về ANTT” khu vực giáp ranh giai đoạn 2009 - 2015 và những năm tiếp theo giữa Công an TP Hà Nội và Công an 8 tỉnh giáp ranh nhằm đảm bảo ANTT. Qua đó, Công an huyện nhận thức rõ tầm quan trọng vị trí địa lý của địa phương do có đường QL 1 đi qua kết nối với các tỉnh, TP trong cả nước. Đặc biệt huyện giáp ranh với các huyện Kim Động, Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) và Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) nên công tác đảm bảo ANTT luôn được đặt lên hàng đầu. Vì thế, không chỉ có việc tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng giáp ranh, việc trao đổi thông tin, hỗ trợ, phối hợp xác minh nhân thân đối tượng liên quan trong vụ án khi cần cũng được các địa phương quan tâm. Nhờ đó, khi có đối tượng ở địa bàn giáp ranh gây án thường được các đội nghiệp vụ kịp thời xác minh, điều tra, làm rõ”.

Phấn khởi nói về công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng tâm sự, thực hiện quy chế phối hợp trong giải quyết tình hình ANTT tại khu vực giáp ranh, một trong những mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác đấu tranh phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm. Những năm gần đây, huyện Đan Phượng đã xây dựng được 2 cụm ANLK với quận Bắc Từ Liêm và huyện Phúc Thọ, nhờ đó tỷ lệ án xảy ra tại các địa phương giáp ranh đã giảm hẳn. Ông Hoàng đề xuất: “Để hoạt động này đạt kết quả, thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần phối hợp hơn nữa để tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và những quy định của Nhà nước liên quan đến vùng giáp ranh cho cán bộ và người dân trên địa bàn. Mặt khác, quán triệt quy chế phối hợp cho cán bộ chủ chốt ở các địa phương, nâng cao vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng vùng giáp ranh an toàn về ANTT. Đồng thời, sẽ nhân rộng mô hình này…”.

Sau nhiều năm triển khai, xây dựng mô hình, đến nay toàn TP đã có 305 cụm ANLK, trong đó 261 cụm ANLK trong cùng TP (101 xã, phường, thị trấn; 42 quận, huyện, thị xã; 118 đơn vị, DN, trường học) và 44 cụm liên kết với các tỉnh khác.


Phú Xuyên nằm giáp ranh với 3 huyện, gồm Kim Động, Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), Duy Tiên (tỉnh Hà Nam). Trong 5 năm qua, Nhân dân trên địa bàn giáp ranh đã cung cấp gần 1.000 nguồn tin liên quan đến ANTT, giúp công an vận động được 5 đối tượng ra đầu thú, điều tra khám phá 117 vụ với 244 đối tượng phạm pháp hình sự, 27 vụ với 31 đối tượng liên quan đến ma túy cùng nhiều vụ án hình sự, đường dây tội phạm liên tỉnh được điều tra, khám phá.