Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mô hình đại học đa lĩnh vực: Nhiều thế mạnh

Oanh Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình đại học (ĐH) nằm trong ĐH là giải pháp tình thế, không phát huy được thế mạnh. Vì thế, GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đề nghị bỏ mô hình này và thay bằng trường ĐH đa ngành.

 GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT
Thưa ông, ĐH nằm trong ĐH đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, bởi trên thế giới không nước nào có mô hình này. Ông có quan điểm gì?
- Trước tiên, phải nói đến nguồn gốc của mô hình “ĐH trong ĐH” từ khi thành lập đã có vấn đề. Lúc đó, vì muốn có các ĐH mạnh, Thủ tướng Võ Văn Kiện đề nghị Bộ GD&ĐT cho ý kiến và được đề xuất mô hình ĐH đa lĩnh vực đang được phổ biến trên thế giới. Theo quan niệm của các nước tiên tiến, chương trình đào tạo của ĐH đa lĩnh vực gồm có hai phần, phần một giáo dục đại cương hay còn gọi khai phóng; phần hai giáo dục chuyên nghiệp. Nội dung giáo dục khai phóng rất rộng, bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội – nhân văn, nghệ thuật và để làm tốt nội dung này thì phải là ĐH đa lĩnh vực. Còn ĐH đơn lĩnh vực hoặc đơn ngành sẽ không đủ chuyên gia giỏi để đào tạo.

Ưu thế thứ hai của ĐH đa lĩnh vực là nghiên cứu khoa học (NCKH). Hiện nay, đề tài NCKH không bao giờ thực hiện trong diện hẹp mà liên ngành. ĐH đa lĩnh vực có sức mạnh của nhiều ngành nghề cho nên khi NCKH thì chất liên ngành sẽ hỗ trợ rất tốt. Đó là chưa nói tới chức năng thứ ba phục vụ xã hội thì tính liên ngành giúp tạo ra những chương trình rất tốt.

Biện pháp tình thế sáp nhập các trường ĐH đơn ngành, đơn lĩnh vực với nhau thành ĐH đã bộc lộ những bất cập gì, thưa ông?

- ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng có nhược điểm nhưng có cơ chế trực thuộc Chính phủ nên tồn tại và phát triển được. Nhưng 3 ĐH (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) thì có vấn đề rất lớn. Từng trường thành viên là đơn ngành nên không đủ sức mạnh cho ĐH vùng. Cộng với việc các trường ĐH liên kết với nhau rất lỏng lẻo, chịu sự quản lý của ĐH cấp trên. Chính vì nhược điểm đó, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới đã có văn bản góp ý cho Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, đề nghị thay đổi mô hình ĐH quốc gia vì không giống trên thế giới. Cũng bởi không thích thú với mô hình ĐH hai cấp gồm các trường đơn ngành, đơn lĩnh vực, vừa qua, tại một hội thảo quốc gia về giáo dục ĐH, nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị giải tán mô hình này. Hiệu trưởng một trường thành viên của ĐH Huế cũng mong muốn ra khỏi ĐH này.

Ông có góp ý gì cho mô hình ĐH trong tương lai?

- Tôi nghĩ nên trở về mô hình phổ biến của thế giới, đó là ĐH đa lĩnh vực - University. Chúng ta hãy bỏ mô hình ĐH hai cấp và tổ chức thành các ĐH đa lĩnh vực trọn vẹn. Nếu hai ĐH quốc gia (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) quá lớn, thì cho một số trường thành viên tách ra tổ chức thành trường ĐH đa lĩnh vực liên kết, gắn kết với nhau. 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) cũng nên làm như vậy.

Tôi không nghĩ rằng trường ĐH đa lĩnh vực sẽ có các ngành giống nhau và chồng chéo. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, các trường ĐH đơn ngành rất khó sống. Thực tế, trước kia một số trường ĐH đơn ngành như: ĐH Sư phạm Hải Phòng, Sư phạm Vinh, Sư phạm Quy Nhơn chỉ đào tạo giáo viên nhưng khó tồn tại trong cơ chế thị trường nên đã tìm mọi cách đổi tên trường để có cơ hội phát triển rộng hơn, đào tạo đa lĩnh vực. Chúng ta đừng lo việc các trường có nhiều ngành đào tạo giống nhau, đây là điều hiển nhiên và tạo cơ hội để cạnh tranh, phát triển.

Xin cảm ơn ông!