70 năm giải phóng Thủ đô

Thiết kế đô thị hai bên các tuyến phố Hà Nội

Mô hình điểm từ tuyến phố Lý Thường Kiệt

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp chỉnh trang đô thị, trong đó có việc lập đồ án thiết kế đô thị, chỉnh trang các tuyến phố.

Mới đây, UBND TP đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt. Khi thực hiện thành công tạo tiền đề triển khai nhân rộng, thêm nhiều con phố của Hà Nội sẽ được chỉnh trang, cải tạo và phát huy vẻ đẹp hơn nữa, góp phần tạo nên một Hà Nội văn minh và giàu bản sắc.

Nhiều khiếm khuyết ở một con phố đẹp

Tuyến phố Lý Thường Kiệt có chiều dài khoảng 1,8km, bề rộng lộ giới trung bình 29m, lòng đường rộng khoảng 14m, là một trong ba tuyến phố dài trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và nằm trong mạng lưới đường tạo thành ô bàn cờ - đặc trưng của khu phố được xây dựng thời kỳ Pháp thuộc (khu phố cũ), có vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của TP.

Hai bên tuyến phố có nhiều công trình quan trọng, mang tính đặc trưng cho tuyến phố như: Khách sạn Melia; Trường THCS Trưng Vương; các đại sứ quán Thái Lan, Australia, Cuba, Angieri... Đồng thời có các công trình cao tầng: Khách sạn Mercure La Gare, khách sạn Movenpick Hà Nội, tòa nhà Pacific Place, cùng với nhiều công trình công cộng, cơ quan, trường học, chùa Quán Sứ, nhà dân thấp tầng…

Phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tất cả tạo nên một tuyến phố đa dạng về phong cách kiến trúc, hình khối và màu sắc.

Đa số công trình hai bên tuyến phố có chất lượng còn khá tốt, tuy nhiên tổng thể trên toàn tuyến thì hình thức và ngôn ngữ kiến trúc của các công trình chưa có sự tính toán, thống nhất.

Biên độ tầng cao các công trình trên tuyến chưa có nhịp điệu, sự biến chuyển không gian không có nguyên tắc. Một số công trình tại các nút giao thông quan trọng chưa phát huy được vai trò, giá trị của công trình điểm nhấn tương xứng với vị trí và chưa phát huy được giá trị cảnh quan tuyến phố, cũng như khu vực xung quanh. Đường dây, đường ống trên tuyến phố đã được hạ ngầm, cây xanh trên tuyến phố phần lớn là cây đường trồng lâu năm, thường xuyên được chăm sóc, cắt tỉa, tuy nhiên chưa có bồn cây hay ghi bảo vệ gốc cây.

Vỉa hè lát gạch chèn một số đoạn đã xuống cấp; chưa có hệ thống nhà vệ sinh, thùng rác công cộng đồng bộ trên toàn tuyến; các nhà chờ xe bus đã cũ; hệ thống tường rào của một số công trình hai bên đường đã ẩm mốc, hoen rỉ; hệ thống biển báo giao thông, biển quảng cáo của các đơn vị, các hộ kinh doanh đa dạng về kích thước, màu sắc, vật liệu, làm ảnh hưởng không nhỏ tới mỹ quan đô thị.

Từ thực tế đang tồn tại, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho rằng, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp, cải tạo các khiếm khuyết của tuyến phố Lý Thường Kiệt, đề xuất giải pháp thiết kế đô thị, chỉnh trang cảnh quan hai bên tuyến phố mang tính khả thi làm cơ sở các cấp chính quyền áp dụng để quản lý đô thị và chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hai bên tuyến phố nhằm năng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, hiện đại là một vấn đề cần được nghiên cứu.

Xác định rõ nguồn lực thực hiện

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, tuyến phố Lý Thường Kiệt được đánh giá là một trong những tuyến phố lõi, thuộc ba trục song song song tuyến Bắc - Nam của TP Hà Nội nên có vai trò cực kỳ quan trọng, ấn định hình thái kiến trúc chính cho khu vực nội đô lịch sử và các khu phố Pháp.

Với các đặc điểm về hình thái, kiến trúc cảnh quan của tuyến phố, việc lập thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt sẽ giải quyết được nhiều vấn đề lớn: cụ thể hóa các đồ án quy hoạch cấp trên được phê duyệt, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch phân khu đô thị H1-1C; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội...

Bên cạnh đó, đây là cơ sở quan trọng để quản lý đầu tư xây dựng các công trình trên tuyến phố và thực hiện các công tác bảo tồn, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, đồng bộ đồng thời gìn giữ được bản sắc, văn hóa, tính chất của khu vực nội đô lịch sử; đồng thời, phục vụ công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bổ sung hệ thống trang thiết bị đô thị hiện đại, văn minh.

“Từ những lý do trên, việc nghiên cứu, triển khai lập đồ án Thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm là cần thiết và phù hợp với các yêu cầu thực tế và phát triển trong tương lai” - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Hà Nội trúc khẳng định.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, thiết kế đô thị là một nội dung trong quy hoạch xây dựng, là một phần hồ sơ của quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị.

Tuy nhiên, việc triển khai các đồ án thiết kế đô thị chậm hơn thực tiễn, gây ra hiện trạng phát triển manh mún, lộn xộn như hiện nay. Do đó, TP Hà Nội cần sớm có những nghiên cứu để nhận rõ đặc thù của kiến trúc từng khu phố như khu phố cổ, phố cũ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, phố mới, từ đó đề xuất những nét đặc trưng về kiến trúc, có giải pháp trong thiết kế đô thị, tránh hiện tượng thiếu tính thống nhất trong quản lý các tuyến phố như hiện nay.

 

Cùng với quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị đóng vai trò quan trọng, là công cụ để quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý cảnh quan, cấp phép công trình… trên mỗi tuyến phố. Do đó, ngoài tuyến phố Lý Thường Kiệt, TP đang chỉ đạo việc nghiên cứu thiết kế đô thị cho khá nhiều tuyến phố khác như Hai Bà Trưng, Phan Chu Trinh, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Kim Đồng… Về bản chất, đây là công cụ quản lý về mặt kiến trúc, cảnh quan nên TP sẽ thúc đẩy việc phê duyệt nhiệm vụ và phê duyệt đồ án.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh

 

Đối với các tuyến phố đã ổn định chức năng trong khu vực trung tâm TP như tuyến Lý Thường Kiệt thì thiết kế đô thị là một đồ án riêng, rất cần thiết.

Trong đó, nội dung đồ án cần phải xác định rõ các tiêu chí như: không gian đô thị hai bên tuyến phố, tầng cao xây dựng bình quân và cho từng công trình cụ thể, xác định khoảng lùi, màu sắc, hình thức kiến trúc công trình. Đặc biệt, cần đưa ra quy định cây xanh, địa hình, cốt cao độ và hạ tầng kỹ thuật…

“Như vậy, để thực hiện một đồ án thiết kế đô thị tuyến phố sẽ gồm rất nhiều nội dung chi tiết, cụ thể cần được nghiên cứu kỹ và đủ cơ sở về nguồn lực thực hiện thì mới thành công” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Từ những năm 2000, Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu thiết kế đô thị hai bên tuyến phố Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… với nhịp điệu đô thị được tính toán hài hòa, hợp lý.

Tuy nhiên, với đặc thù các công trình hai bên tuyến phố có đa dạng hình thức sở hữu nên rất khó xác định nguồn lực thực hiện, do vậy các ý tưởng nghiên cứu đã không trở thành hiện thực.

Vì vậy, theo các chuyên gia, với đồ án thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt lần này, để sớm triển khai vào thực tiễn, quan trọng nhất là xác định rõ nguồn lực thực hiện. Nếu chưa thể bố trí vốn để hoàn thành tất cả các tiêu chí theo nội dung đồ án thì có thể tập trung vào một số nội dung nhất định cần được ưu tiên, cụ thể ở đây là việc bố trí khai thác sử dụng vỉa hè cho hợp lý.