Những dấu ấn
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, giải quyết những mâu thuẫn về quản lý chồng chéo, những vướng mắc trong công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng với Đội Thanh tra xây dựng các quận, huyện, xã phường trên địa bàn TP… Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng (QLTTXD) đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi, với vai trò là một đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, mô hình này đã tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; Nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng; Tạo thuận lợi cho công tác đánh giá, bổ nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự xây dựng.
Bên cạnh đó, khi trở thành một đơn vị trực thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, công tác quản lý trật tự xây dựng tại cơ sở có sự tham gia phối hợp, giám sát của các cơ quan, đơn vị chức năng, của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của Đội QLTTXD đô thị, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo nguyên tắc 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.
"Qua quá trình hoạt động trong thời gian qua, tình trạng chồng chéo chức năng hoặc tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã dần được hạn chế… Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong QLTTXD, trật tự xây dựng" - một thanh tra xây dựng nhìn nhận.
Minh chứng rõ hơn là từ các con số thống kê trong những năm qua. Số liệu mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, nếu như trong 4 năm trước khi thực hiện mô hình thí điểm (từ ngày 10/8/2014 đến hết ngày 10/8/2018), các Đội Thanh tra xây dựng (nay là Đội QLTTXD đô thị quận, huyện, thị xã) đã tiến hành kiểm tra 80.987 công trình. Qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 7.142 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 8,82%; thì trong 4 năm thực hiện mô hình thí điểm (từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2022), tỷ lệ công trình vi phạm bị xử lý đã giảm xuống còn 3,69% (kiểm tra 76.170 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 2.811 trường hợp vi phạm), tỷ lệ công trình có phép, miễn phép tăng; Số trường hợp có vi phạm giảm…
Nên sớm kiện toàn bộ máy hoạt động
Bên cạnh những điểm sáng, khi trao đổi với phóng viên về mô hình này, lãnh đạo nhiều Đội QLTTXD trên địa TP Hà Nội thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Do đây là mô hình thí điểm nên còn gặp khó khăn trong việc sắp xếp bộ máy và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cũng do đang thực hiện thí điểm nên tổ chức bộ máy không ổn định, không có luật quy định... Vì thế, tâm tư nguyện vọng của cán bộ nhân viên không ổn định để công tác; Thanh tra viên đã được bổ nhiệm trước đây, đang công tác tại các đội QLTTXD đô thị không được hưởng phụ cấp, không có thẩm quyền xử phạt. Các đội QLTTXD đô thị không được hưởng phụ cấp ngành…
Đề cập đến những bất cập, tồn tại, đại diện Đội QLTTXD quận Cầu Giấy cho hay, trước đây, Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện (nay là Đội trưởng) được quyền xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ công trình xây dựng tương đương với thẩm quyền của Trưởng công an cấp quận, huyện.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, Đội trưởng Đội QLTTXD đô thị không còn được trao thẩm quyền này dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng đôi lúc chưa kịp thời, thiếu hiệu quả và không nghiêm.
Đồng quan điểm, Đội trưởng Đội QLTTXD quận Đống Đa Trần Anh Tuấn chia sẻ, hiện nay, công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, không ít chủ đầu tư cố tình vi phạm, trốn tránh, chây ỳ khi bị xử lý dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm. Một trong những nguyên nhân do chế tài xử lý vi phạm về trật tự xây dựng còn nhẹ, thẩm quyền về mức phạt bằng tiền của Chủ tịch UBND quận huyện, xã phường còn thấp nên việc xử lý vi phạm chưa kịp thời.
Do đó, để phát huy hết hiệu quả mô hình thí điểm Đội QLTTXD đô thị cần quy định rõ trình tự thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm; trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, các biện pháp của Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch UBND quận và bổ sung thẩm quyền xử lý đối với Đội trưởng Đội QLTTXD đô thị nhằm đảm bảo vi phạm về trật tự xây dựng tại đô thị được phát hiện và xử lý kịp thời như Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007.
Thực tế trên, lãnh đạo các đội QLTTXD đô thị trên địa bàn TP cho rằng, khi hết thời hạn thí điểm, cơ quan chức năng sớm có giải pháp ổn định về tổ chức biên chế đối với lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện như một tổ chức hành chính trực thuộc UBND cấp quận, huyện.
“Bộ phận trực tiếp làm công tác quản lý xây dựng trong gần 20 năm qua liên tục biến động về tổ chức, đầu mối quản lý dẫn đến có thời điểm công tác quản lý trật tự xây dựng kém hiệu quả. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền xây dựng bộ máy mang tính ổn định, giúp đội ngũ cán bộ trong lực lượng QLTTXD ổn định về tinh thần, tư tưởng. Từ đó xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ áp dụng chính thức mô hình, giúp tạo thế và lực mới để phát triển trong tương lai” – lãnh đạo một Đội QLTTXD đô thị trên địa bàn TP chia sẻ.
"Thời gian thí điểm mô hình đã kéo dài một lần, vì vậy, thời gian tới, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ cần tham mưu TP Hà Nội sớm đề xuất bổ sung một tổ chức hành chính như Đội QLTTXD đô thị vào Luật Thủ đô đang đề xuất sửa đổi hiện nay, để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện phù hợp." - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Chu Hồng Uy
----
"Căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan, căn cứ Quyết định số 5621/QĐ-UBND ngày 18/12/2020, Quyết định số 3406/QĐ-UBND ngày 4/7/2018 của Chủ tịch UBND TP, căn cứ vào tình hình thực tiễn công tác QLTTXD trên địa bàn TP… Sở Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Mô hình thí điểm cho đến khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, đồng thời Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung có quy định cho phép Hà Nội được thành lập các cơ quan đặc thù nằm ngoài quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện." - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong