Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiêu niên và Nhi đồng - VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội) đề nghị quy định thống nhất mô hình hệ thống GDĐH gồm có trường ĐH và ĐH. Theo đó, trường ĐH là hạt nhân, khi một trường tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường thì được hình thành một ĐH. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có ĐH, trường ĐH, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác và gọi chung là ĐH chứ không phân biệt thành 2 loại như ý kiến của cơ quan thẩm tra.
|
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Chiến Công |
Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các ĐH quốc gia, ĐH vùng được gọi là “đại học” trong khi có rất nhiều các trường uy tín khác như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó. Quy định như vậy không khuyến khích được các trường vươn lên mà cũng khó giải thích khi hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong mô hình tổ chức 2 ĐH Quốc gia cũng như 3 ĐH vùng hiện nay. Các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường ĐH lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải là đều thuận lợi. Vậy nên, theo Phó Thủ tướng, phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được những bất cập thực tế đã bộc lộ, trong khi phương án đề xuất ban đầu của Chính phủ là dựa trên nguyện vọng của nhiều trường, sẽ giải quyết được các vấn đề đó.
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình lại nhấn mạnh yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các ĐH phải năng động, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, nêu ra khuynh hướng giáo dục ĐH là đa lĩnh vực, vậy nên các trường đều đang bắt đầu hình thành các tổ hợp. Phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra thích hợp cho xu hướng, mục tiêu đó.
Không nên phức tạp về mô hìnhNhiều đại biểu cũng tán thành quan điểm cho rằng, nên gọi chung tất cả các trường là ĐH chứ không nên quy định có bao nhiêu ngành, bao nhiêu học sinh thì được gọi là ĐH, còn nhỏ hơn thì gọi là trường ĐH.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), không nên phức tạp về mô hình mà cần nhìn vào thực lực, vào nhu cầu của đất nước và của người học. Sai lầm trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học… Việc phân loại mô hình theo hướng tư duy này ảnh hưởng lớn đến sức phát triển của giáo dục ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH cần được bình đẳng trong không gian đào tạo và sáng tạo từ học thuật đến sản phẩm, không phân biệt quy mô to hay nhỏ, loại hình công lập hay tư thục, tiếp tục phân biệt là giết chết sự sáng tạo.
Một trong những vấn đề khác được quan tâm liên quan đến học phí và các khoản thu dịch vụ khác. Dự Luật được chỉnh lý theo hướng giữ quy định về học phí; mức thu được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí căn cứ theo chi phí đơn vị do cơ sở GDĐH công khai mà không xác định mức trần học phí.
Hiện vẫn còn các quan điểm khác nhau, có ý kiến băn khoăn, khi thu nhập bình quân xã hội còn thấp, chưa hoàn thiện được hệ thống quỹ tín dụng sinh viên cũng như cơ chế hỗ trợ học bổng… việc không quy định mức trần học phí có thể khiến cho cơ hội tiếp cận với GDĐH của một bộ phận người học khó khăn, đặc biệt là ở một số ngành có sức hút lớn (như y dược, kinh tế…). Trái lại, cũng nhiều ý kiến khác cho rằng, trong cơ chế tự chủ thì việc để các trường tự cân đối, xác định mức thu học phí ở mức xã hội/người học có thể chấp nhận và tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo là cần thiết, tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng thu hút người học.