Tiềm năng đứng thứ 2 Đông Nam Á
Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á về phát triển cững như tiềm năng của kinh tế số. Theo đó, ngay trong năm 2021, kinh tế số của Việt Nam đã có mức tăng trưởng dự kiến lên đến 31% đạt 21 tỷ USD đồng thời được dự đoán sẽ vào khoảng 57 tỷ USD tại năm 2025.
Kinh tế số Việt Nam dự đoán sẽ đạt quy mô 57 tỷ USD vào 2025. |
Không chỉ dừng lại ở khía cạnh tăng trưởng người dùng, hiện Việt Nam vẫn đang là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Trong nửa đầu 2021, hoạt động đầu tư đã đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD. Các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong những lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính, sức khỏe và giáo dục là những địa điểm được các nhà đầu tư tập trung rót vốn.
Dự đoán về quãng thời gian 10 năm tới, Báo cáo e-Conomy SEA 2021 cho rằng, Việt Nam đang bước vào “Thập kỷ Kỹ thuật số” khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Ước tính đến năm 2030, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỷ USD đến từ tăng trưởng của các lĩnh vực như thương mại điện tử, giao thức ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Đánh giá về tiềm năng của nền kinh tế số, đại diện Bain & Company cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Lợi thế mà Việt Nam có được không chỉ nằm ở nguồn vốn của các nhà đầu tư liên tục đổ vào mà còn do sự tăng trưởng mạnh về người dùng, đặc biệt những người dùng mới này đến từ khu vực ngoại thành.
Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào các động lực thúc đẩy và hỗ trợ quan trọng như thanh toán kỹ thuật số, lĩnh vực hậu cần giao nhận, cơ sở hạ tầng tương ứng và phát triển nhân tài. Bởi đây sẽ là cơ sở để tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế số của Việt Nam vào năm 2030, phía Bain & Company đưa ra lời khuyên.
Rào cản pháp lý
Ở thời điểm hiện tại, xu hướng của nền kinh tế số Việt Nam đang tập trung vào 5 lĩnh vực hàng đầu gồm: Thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận tải&thực phẩm, du lịch trực tuyến và dịch vụ tài chính số. Tuy nhiên, hầu hết tại các lĩnh vực này đều là sự thống trị của những nền tảng đa quốc gia như Facebook, Google, Grab, Shopee…
Trong khi đó các nền tảng được phát triển bởi Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thương mại điện tử với những cái tên như Thegioididong, FPTshop, Tiki, Sendo… Nhưng ngay ở mảng này khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trước doanh nghiệp nước ngoài cũng chưa thực sự cao.
Theo nhiều chuyên gia, sự thiếu cạnh tranh nói trên không chỉ nằm ở khía cạnh thua kém về nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn… mà còn đến từ chính những rào cản về mặt pháp lý đã khiến doanh nghiệp trong nước hụt hơi so với doanh nghiệp nước ngoài.
Tiêu biểu như trong lĩnh vực tài chính, loại hình Fintech đang rất phát triển ở nước ngoài và giàu tiềm năng ở Việt Nam nhưng thị phần chủ yếu lại nằm ở trong tay các doanh nghiệp ngoại như Tima, Trust Circle, Wecash… thay vì các doanh nghiệp trong nước mặc dù có nguồn lực không hề thua kém như FPT, Viettel hay VNPT.
Nhìn sang các quốc gia khác trên thế giới, Fintech đã được tạo mọi điều kiện để phát triển từ nhiều năm trước. Đơn cử như trường hợp của Singapore, ngay từ năm 2016, quốc gia này đã có khung pháp lý thử nghiệm cho loại hình kinh doanh mới nói trên. Và kết quả là ở thời điểm hiện tại, Singapore đang là trung tâm Fintech của khu vực và thế giới, thậm chí nhiều startup Việt trong lĩnh vực này cũng chọn đây là nơi đặt trụ sở chính của mình.
Còn về phía Việt Nam, mặc dù khái niệm Fintech đã xuất hiện vào giai đoạn 2016 - 2017 nhưng phải tới tận 2019, Chính phủ mới giao nhiệm vụ cho các cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế thử nghiệm cho loại hình kinh doanh này và tới nay vẫn chưa có văn bản pháp lý cụ thể được ra đời. Như vậy có thể thấy, riêng trong Fintech, Việt Nam đã tụt hậu khá xa ngay trên chính đất nước của mình.
Hay kể cả trong hoạt động gọi vốn của các startup Việt cũng đang có nhiều rào cản lớn. Trên thế giới, ngoài các phương thức kêu gọi vốn bằng tiền mặt, các startup còn được phép huy động nguồn lực thông qua việc phát hành tiền điện tử. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tổng số vốn được các startup huy động được qua phương thức này đã lên tới 8 tỷ USD.
Mặc dù thông dụng trên thế giới là vậy nhưng ở Việt Nam, phương thức gọi vốn trên vẫn chưa được công nhận. Việc cá nhân, tổ chức sở hữu các loại tiền mã hóa đều không được pháp luật bảo vệ. Điều này dẫn tới tình trạng các startup mất đi một kênh huy động vốn phổ biến mà còn hạn chế nhiều dịch vụ kinh doanh mới có thể ra đời dựa trên tiền mã hóa.
Nói về vấn đề trên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Chu Thị Hoa cho rằng, chính những hạn chế về mặt pháp luật đã hạn chế sự ra đời của những ngành nghề kinh doanh mới của nền kinh tế số.
Cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... theo hướng tạo quy định rõ ràng, thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định cần được xây dựng trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt là đối với những loại hình kinh doanh mới theo mô hình kinh tế chia sẻ mà chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cho vay ngang hàng P2P… Cần khẩn trương bổ sung quy định thí điểm cấp phép cho các loại hình này đi vào hoạt động.
Ngoài ra, cũng cần đổi mới tư duy lập pháp theo hướng “mở’ và “linh động” đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề mới cần hình thành cơ chế quản lý thử nghiệm, trong đó nới lỏng các điều kiện kinh doanh truyền thống, hạ thấp các rào cản về gia nhập thị trường đối với các startup, cũng như giúp các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý, Chu Thị Hoa đưa ra ý kiến.