Xây dựng chính quyền số, công tác dân số

Mô hình “Thôn thông minh” tại Đan Phượng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ chuyển đổi số trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), người dân trên địa bàn huyện Đan Phượng không phải chờ đợi lâu, giảm thời gian đi lại đồng thời tăng tính tương tác với chính quyền địa phương.

Quét mã QR code làm thủ tục hành chính

Những ngày cuối năm, dù tất bật với cả núi việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đón Tết, song mỗi khi có TTHC cần giải quyết, bà Lê Thị Thảo, thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng lại không cảm thấy ái ngại bởi mọi thứ đã được áp dụng công nghệ số. Chỉ cần ra đầu đường Hồ Văn Chỉ cách nhà không xa, dùng điện thoại thông minh quét mã QR code trên bảng niêm yết dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các bước theo hướng dẫn là xong.

Hướng dẫn người dân quét mã làm thủ tục hành chính tại xã Song Phượng. Ảnh: Hoàng Huy
Hướng dẫn người dân quét mã làm thủ tục hành chính tại xã Song Phượng. Ảnh: Hoàng Huy

“Mô hình này rất thuận tiện cho các hộ gia đình. Trước kia, chúng tôi phải đến Bộ phận một cửa của xã để giải quyết TTHC thì nay có thể làm trực tuyến, sau đó ra xã lấy kết quả, rút ngắn được thời gian đi lại cũng như chờ đợi” – bà Lê Thị Thảo chia sẻ.

Cũng giống như bà Thảo, việc quét mã QR code làm TTHC đã trở thành chuyện thường ngày với người dân thôn Tháp Thượng, từ khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân… đều được tinh gọn hơn rất nhiều.

 

"Để chuyển đổi số thành công, các ngành, cấp, xã, thị trấn cần tránh mọi tư duy thụ động, ngại việc mới. Đồng thời xây dựng hạ tầng thông tin, số liệu, dữ liệu đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các cấp; không làm kiểu hình thức, làm cho có triển khai đầu việc." - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Trưởng thôn Tháp Thượng Bùi Văn Trường cho biết, thôn có 328 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu. Trong đó, qua điều tra, toàn thôn có 90% hộ dân đã lắp đặt wifi và hệ thống internet, hơn 700 điện thoại thông minh nên rất thuận tiện khi triển khai mô hình “Thôn thông minh”, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Đan Phượng về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Song Phượng được chọn thí điểm của huyện về mô hình “Thôn thông minh”. Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, xã Song Phượng đã triển khai mô hình “Thôn thông minh” đến đồng loạt 4/4 thôn trên địa bàn với nền tảng là các “Tổ tự quản thông minh” và những “Công dân số”.

Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh cho biết, UBND xã đã lập mã QR hướng dẫn 5 TTHC (khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực, xác nhận tình trạng hôn nhân), lắp đặt 20 bảng tại nhà văn hóa, điểm công cộng và đầu một số xóm, ngõ chính trên địa bàn để người dân dễ tiếp cận. 4/4 nhà văn hóa thôn của xã đã được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí.

“UBND xã Song Phượng cũng đã thành lập nhóm Zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện TTHC Tư pháp - Hộ tịch” có trách nhiệm tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết. Người dân cũng có thể hẹn trước thời gian hoặc gửi trước thành phần hồ sơ giải quyết TTHC để công chức xã hướng dẫn. Từ đó người dân không phải chờ đợi lâu, giảm thời gian đi lại khi không mang đầy đủ giấy tờ như trước” – ông Ngô Thế Anh cho biết.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số

Không chỉ chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, nhiều hoạt động khác của đời sống kinh tế, xã hội ở Song Phượng cũng được số hóa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, DN. Tiêu biểu như qua sự hỗ trợ của Huyện đoàn Đan Phượng, Tổ công nghệ số cộng đồng của xã Song Phượng đã phối hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngân hàng lắp đặt và hướng dẫn người dân sử dụng tải khoản ngân hàng, dịch vụ thanh toán điện tử. Hiện tổng số hộ gia đình tại xã Song Phượng sử dụng tài khoản ngân hàng trung bình mỗi thôn đạt 93,7%, số hộ có sử dụng hình thức thanh toán điện tử là 92,3%.

Toàn xã Song Phượng có trên 80 cá nhân sử dụng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng đa dạng từ nông sản cho tới tạp hóa, điện tử... mang lại tổng doanh thu khoảng trên 30 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, UBND xã Song Phượng, Hội Nông dân, Hợp tác xã Nông nghiệp xã đã hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đặc biệt, Hợp tác xã Nông nghiệp Song Phượng còn lập trang Facebook “Nông sản sạch Song Phượng" để giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP chủ lực của địa phương như kẹo lạc, nấm, bưởi Diễn…

Từ thành công của xã Song Phượng, hiện nay, huyện Đan Phượng đang triển khai mô hình “Thôn thông minh” ra nhiều địa phương khác trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng thông tin, huyện đã chỉ đạo các xã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số, tương tác với chính quyền qua các nền tảng số. Đồng thời hướng dẫn DN, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử...

Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu, do vậy mô hình “Thôn thông minh” mang lại nhiều giá trị thiết thực.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải chia sẻ, những kết quả ban đầu đạt được trong xây dựng ”Thôn thông minh” đã góp phần thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Để thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện, hiệu quả, thực chất, ông Trần Đức Hải đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành của huyện phải xây dựng kế hoạch với nội dung công việc triển khai cụ thể.

Đồng thời thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, tạo được sự thay đổi về phương thức quản lý, vận hành và quản trị xã hội. Trong đó, lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số.

”Chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển” – ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

 

"Từ khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước." - Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Ngô Thế Anh