70 năm giải phóng Thủ đô

Mô hình “Trường học trong doanh nghiệp” khởi sắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có người ví doanh nghiệp như “khách hàng thượng đế”, bởi đó là nơi có thể kiểm định xác thực đầu ra trong đào tạo và đó cũng là nơi giải bài toán phân luồng hiệu quả nhất.

KTĐT - Có người ví doanh nghiệp như “khách hàng thượng đế”, bởi đó là nơi có thể kiểm định xác thực đầu ra trong đào tạo và đó cũng là nơi giải bài toán phân luồng hiệu quả nhất.

Một hạn chế không nhỏ trong đào tạo nguồn nhân lực là sản phẩm chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà quản lý, của nhân dân và của nền kinh tế. Từ đây, vai trò của doanh nghiệp được đặt ra.

Có người ví doanh nghiệp như “khách hàng thượng đế”, bởi đó là nơi có thể kiểm định xác thực đầu ra trong đào tạo và đó cũng là nơi giải bài toán phân luồng hiệu quả nhất. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội vào đầu tháng 3 năm 2009, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo: Trước ngày 15 tháng 5, các Bộ cần công bố tiêu chí, chứng chỉ bắt buộc của ngành mình trong đào tạo nghề, sau đó, chính thức trở thành nhu cầu bắt buộc với người lao động. Cần tuyên truyền hiệu quả hơn nữa để người có nhu cầu đi học biết chủ trương, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia, hỗ trợ dạy nghề! Việc vận hành theo đúng chủ trương trên đây đã đưa đến những thành công ban đầu của mô hình “ trường học trong doanh nghiệp”.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự xoay chuyển là sau kỳ thi đại học và cao đẳng năm 2009 mới đây, tỉ lệ sinh viên không đỗ đại học, cao đẳng đã nộp đơn vào các trường dạy nghề, các doanh nghiệp tăng từ 1,5 đến trên 2 lần so với năm trước. Các bậc phụ huynh và các em học sinh đã thức thời hơn khi cho rằng, chọn một nơi khi ra trường có khả năng có được một nghề chắc chắn còn hơn học “ hết cơm hết gạo” mà “ chả đâu vào đâu”. Chính vì thế mới có thực trạng, trong khi một số trường trung cấp tồn tại hàng chục năm đến nay công tác tuyển sinh trở nên bế tắc, thì lại có những trường chỉ mới xuất hiện từ vài năm vẫn đảm bảo chỉ tiêu và duy trì ổn định về số lượng.

Có  thể thấy rõ thực trạng đó trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nơi có hệ thống trường đại học, cao đẳng “ trăm hoa đua nở” (chỉ xếp sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Nguyên nhân không hoàn toàn do chủ quan mà ở sự thay đổi trong nhận thức: Một là thi bằng được vào trường đại học, hai là chọn một doanh nghiệp “có bảo hành” nghề nghiệp. Nghĩa là khi SV ra trường không bị thất nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Xin nêu một vài minh chứng. Ai cũng biết Đà Nẵng hiện tại đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực du lịch mặc dù nhiều trường ĐH, CĐ vẫn có khoa du lịch. Theo đánh giá của các nhà quản lý thì đa số những sinh viên được đào tạo này khi ra trường vẫn thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi đó, sự ra đời của một trường Trung cấp nghề chuyên đào tạo du lịch theo sự chuyển giao công nghệ đào tạo của EU, của Úc với tên gọi VAVC chỉ sau 2 năm đã có số lượng gần một ngàn rưỡi HS, SV. Trả lời câu hỏi vì sao lại chọn một trường Trường Trung cấp nghề “sinh sau đẻ muộn”, một số SV của VAVC trả lời, họ đã thấy  ở VAVC một cơ hội có việc làm ở các công ty du lịch, khách sạn và có thu nhập khá; số khác trả lời, học ở VAVC chương trình không quá nặng, được thực hành nhiều và thoải mái!

Công ty Cổ phần Phú Việt Thành thực hiện mô hình “ trường học trong doanh nghiệp” hiện đang triển khai chi nhánh của trung tâm đào tạo Bác sỹ máy tính thực hành iSPACE thuộc bệnh viện máy tính quốc tế iCARE. Ông Trần Văn Châu, Giám đốc điều hành công ty cho biết : “Khi triển khai mô hình đào tạo, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về chương trình và khung đào tạo thiên về thực hành thực tế, đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Học viên ngoài học chuyên môn còn được học kỹ năng nghề, được thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp…”. Ông Phạm Trường Thi, Phó GĐ, phụ trách quan hệ doanh nghiệp cho biết: “ Thời gian đầu, các doanh nghiệp tỏ ra lạ lẫm và khó tin với cách tổ chức của nhà trường. Nhưng cho đến thời điểm này thì đa phần các doanh nghiệp đều có đặt hàng trước về nhân sự và có nhu cầu tuyển dụng ngay trong buổi sát hạch…”. 

Hai vấn đề mấu chốt quyết định thành công của mô hình đào tạo “ trường học trong doanh nghiệp”, đó là trường học xuất phát từ doanh nghiệp và trường học gắn kết với doanh nghiệp.

Ngay ở Quảng Nam, một địa bàn còn nhiều cái khó hơn Đà Nẵng rất nhiều cũng đã ra đời một vài trường nghề có uy tín, thành công ở mô hình “ trường học trong doanh nghiệp” nói trên. Điển hình hơn cả là Trường Trung cấp Bách khoa Quảng Nam, một trường đào tạo Công nghệ thông tin đầu tiên của Quảng Nam, cũng là trường đầu tiên của tỉnh được công nhận bằng cấp quốc tế. Từ một trung tâm Tin học nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách nguồn nhân lực cho một tỉnh mới chia tách năm 1997, còn nhiều khó khăn trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đến nay, đã trở thành Trường Trung cấp đa ngành, đa nghề gắn với doanh nghiệp (do Công ty Cổ phần Tập đoàn kinh tế - giáo dục Martin thành lập) tạo được uy tín, thương hiệu thực sự không chỉ ở riêng Quảng Nam mà còn ở một số tỉnh thành lân cận. Trường xây dựng mô hình học tập gắn lý thuyết với thực tiễn bởi các đối tác của trường là doanh nghiệp thuộc hội doanh nghiệp trẻ các tỉnh, thành trong nước, liên kết với các trường của Nhật Bản, Úc…để đào tạo, giúp học sinh giao lưu, nghiên cứu, thực tập phù hợp với ngành nghề đã học. Các học sinh, sinh viên ở đây được tạo mọi điều kiện để học tập và rèn luyện, kể cả đi du học nước ngoài. Ông Trần Quốc Bảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn kinh tế - Giáo dục Martin, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa Quảng Nam cho biết, thời gian tới, ngoài việc phối hợp với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các em được kiến tập, thực tập thì việc đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại được đặt hàng đầu; bên cạnh đó, tăng cường đổi mới phương pháp đào tạo, chú trọng vừa làm vừa học, vì như thế, khi ra trường, kiến thức và kỹ năng mà các em vận dụng vào công việc mới không bị lỗi thời, mới nhanh chóng có hiệu quả.