Mở lại đường bay quốc tế: Cẩn trọng với biến chủng Omicron

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch phục hồi các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã cận kề thì bất ngờ biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 mang tên Omicron xuất hiện. Điều này đòi hỏi ngành hàng không phải xây dựng thêm nhiều phương án đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Hiện nay, về cơ bản, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng bay đều đã có sự chuẩn bị đầy đủ cho sự kiện quan trọng này. Thậm chí, trong thời gian vừa qua, các chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế đến một số địa điểm du lịch tại Việt Nam vẫn được duy trì. Đây sẽ là cuộc tập dợt quan trọng để nhiều hãng hàng không quen dần với “guồng quay” của các chuyến bay thương mại quốc tế khi mà “cánh cửa bầu trời” của chúng ta đã tạm đóng lại suốt gần 2 năm qua vì dịch bệnh Covid-19.
 Hành khách làm thủ tục tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Việt Dũng
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã và đang trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với ngành hàng không nói chung và kế hoạch “mở cửa bầu trời” nói riêng. Không lâu sau khi xuất hiện, biến chủng này đã lây lan nhanh chóng sang rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tốc độ lây lan nhanh cùng với nhiều “ẩn số” về biến chủng này vẫn chưa được các nhà khoa học tìm ra càng khiến cho Omicron trở nên nguy hiểm. Hơn lúc nào hết, ngành hàng không cần khẩn trương xây dựng những phương án đối phó với biến chủng này để đảm bảo khi các đường bay quốc tế được nối lại, Omicron sẽ không trở thành mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và tới chính sự phục hồi của ngành hàng không. Bởi chỉ cần một chút sơ sẩy nào, mọi thành quả trong công tác phòng, chống dịch của chúng ta trong thời gian qua hoàn toàn có thể bị đổ vỡ.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhận định, sự xuất hiện của biến chủng Omicron chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch phục hồi đường bay quốc tế của nhiều quốc gia chứ không riêng gì nước ta. Bởi cho tới lúc này, “sức mạnh” thật sự của biến chủng này vẫn chưa được làm rõ nên sự thận trọng là cần thiết. Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh, dù Omicron đang là mối đe dọa tiềm tàng với kế hoạch nối lại đường bay quốc tế nhưng không phải vì biến chủng này mà chúng ta trì hoãn hoặc dừng triển khai “mở cửa bầu trời”. Hàng không có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc mở lại đường bay quốc tế là cần thiết để phục hồi kinh tế.

“Việc khôi phục đường bay quốc tế phải gắn chặt với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước mắt chúng ta có thể mở lại đường bay quốc tế thường lệ với các quốc gia chưa phát hiện biến chủng mới Omicron và quản lý, giám sát du khách bằng ứng dụng công nghệ hiệu quả” - PGS.TS Ngô Trí Long nói và cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả về kiểm soát y tế, đặc biệt là việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, chúng ta có thể quản lý, giám sát du khách bằng ứng dụng công nghệ. Đồng thời, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vaccine ngừa

Covid-19 cho toàn dân, trong đó có thể tính đến khả năng tiêm thêm các mũi vaccine tăng cường như nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong một diễn biến mới nhất, phát biểu trong buổi tọa đàm về giải pháp mở lại các đường bay quốc tế, diễn ra ngày 16/12, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất tần suất bay lớn hơn những lần trước theo hiệu quả của việc kiểm soát dịch. Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính sẽ thuộc nhóm ưu tiên đi máy bay. Đây cũng là định hướng tạo điều kiện cho người Việt có nhu cầu về nước dịp cuối năm.

Ông Võ Huy Cường nhận định, hiện 98% số người dân trong nước được tiêm vaccine mũi một; người tiêm đủ hai mũi tỷ lệ cũng rất cao. Do đó, việc mở đường bay quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, từng bước khôi phục cuộc sống bình thường.

Về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ mà Bộ GTVT xây dựng, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, bước thí điểm giai đoạn 1 sẽ có tần suất 4 chuyến/đường bay/tuần nhưng đây mới là định hướng của Việt Nam. Còn cụ thể ra sao về đường bay, tần suất bay vẫn phải chờ đàm phán cụ thể với từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Bộ GTVT dự kiến sau giai đoạn 1 kéo dài 15 ngày, sẽ thí điểm giai đoạn 2 trong 1 tháng, kết thúc giai đoạn 2 Bộ GTVT sẽ đánh giá báo cáo Chính phủ để tiến tới khai thác bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần