Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mơ mận đầu mùa giá cao vẫn đắt khách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Những ngày đầu tháng 4, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp rất nhiều gánh hàng bán những loại quả đầu mùa bán như mơ Hương Tích (Mỹ Đức), mận hậu Mộc Châu (Sơn La)… trên các đường phố Hà Nội. Dù giá bán không rẻ nhưng những loại quả này vẫn được tiêu thụ khá mạnh.

Tại một số tuyến phố như Xã Đàn, Kim Liên, Hồ Đắc Di (Đống Đa), Thành Công (Ba Đình) và khu vực phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những gánh hàng rong bán đầy mơ, mận đầu mùa với mức giá khá cao.
Chị Trần Thị Dung, một người bán trái cây trên phố Xã Đàn (Đống Đa) cho biết, hiện mận bán trên thị trường Hà Nội chủ yếu là mận cơm của Lạng Sơn và mận Mộc Châu (Sơn La).

Mận hậu Mộc Châu được chia làm hai loại với kích cỡ và giá bán khác nhau. Cụ thể, mận loại 1 quả to chín đều có giá dao động từ 120.000 -150.000 đồng/kg, loại 2 với quả nhỏ và xanh hơn 80.000 - 100.000 đồng/kg.

Mận hậu Mộc Châu(Sơn La) . Ảnh: Hoài Nam
Mận hậu Mộc Châu(Sơn La) . Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy không chỉ được bày bán tại các chợ dân sinh, mận hậu đầu mùa cũng được nhiều rao bán trên các diễn đàn trên chợ mạng xã hội facebook, zalo... theo kg hoặc theo set. Hàng bán theo hình thức online nên có giá bán thấp hơn một chút so với hệ thống chợ truyền thống, dao động từ 90.000 - 110.000 đồng/kg.
Mỗi set mận được đựng trong hộp có trọng lượng từ 300 gram - 1kg, người bán còn kèm theo cả gia vị chấm. Riêng loại mận cơm của của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc giá chỉ bằng 50% so với  mận hậu Sơn La, hiện được bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Mận cơm Lạng Sơn bầy bán tại chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Mận cơm Lạng Sơn bầy bán tại chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Lý giải nguyên nhân giá mận Mộc Châu cao, những người kinh doanh mặt hàng này thông tin, hiện giá mận đầu mùa nhập tại vườn dao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí vận chuyển từ Mộc Châu xuống Hà Nội thì giá đầu vào loại I đã gần 100.000 đồng/kg.

Thực tế cho thấy, dù giá mận hậu đầu mùa cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng loại quả này lúc nào cũng trong tình trạng “cháy hàng”. Chị Lan, tiểu thương bán hàng hoa quả tại chợ Kim Liên (Đống Đa) cho biết, ngày nào cũng bán hết cả tạ mận Mộc Châu, người mua nhiều thì 2 - 3kg, ít thì 1kg. "Phải đến giữa tháng 5 đầu tháng 6 khi Mộc Châu vào vụ thu hoạch chính vụ thì mận hậu Mộc Châu sẽ giảm giá đến 40 - 50% so với đầu mùa thu hoạch” - chị Lan dự báo.

Lời chào mời mua mơ trên mạng xã hội facebook. Ảnh: Hoài Nam
Lời chào mời mua mơ trên mạng xã hội facebook. Ảnh: Hoài Nam

Quả mơ cũng là mặt hàng thu hút người tiêu dùng tìm mua. Những tiểu thương kinh doanh mặt hàng này tại hệ thống chợ truyền thống cho biết, nếu như mặt hàng mận được bán với mức giá khá cao thì mặt hàng đặc sản mơ chùa Hương (Mỹ Đức) lại có giá khá bình dân chỉ dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg, đặc sản chùa Hương đang được săn đón. Thậm chí, nhiều người Hà Nội phải “xếp hàng”chờ mua khá lâu.

Nhập mơ vàng trực tiếp từ người quen tại huyện Mỹ Đức, anh Đỗ Văn Nghiệp, tiểu thương kinh doanh tại chợ Nam Đồng (Đống Đa) cho biết, vì đầu mùa nên mơ vàng chùa Hương bán chạy hơn hẳn các loại quả khác. Trung bình 1 tuần anh thường nhập vài tạ mơ chùa Hương để trả dần đơn cho khách hàng.  

“ Mơ vàng ở chùa Hương đặc biệt thơm ngon bởi có cùi dày, hạt nhỏ, vị chua thanh và hương thơm dịu rất riêng phù hợp để ngâm đường làm nước giải khát hoặc ngâm rượu  thành rượu mơ chùa Hương”-anh Nghiệp thông tin.

Mơ Chùa Hương (Mỹ Đức) bầy bán tại hệ thống chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam
Mơ Chùa Hương (Mỹ Đức) bầy bán tại hệ thống chợ truyền thống. Ảnh: Hoài Nam

Có thói quen làm mơ ngâm đường và làm rượu mơ, chị Hiền ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa, Hà Nội) vừa đặt mua gần 10kg mơ vàng chia sẻ, phải đặt trước với người bán từ cuối tháng 3, đến giờ mới nhận được hàng.
“Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 4, gia đình tôi sẽ tìm mua mơ để ngâm đường uống vào mùa hè. Tôi cũng đã thử ngâm những giống mơ khác, nhưng chỉ có quả mơ đặc sản chùa Hương mới đem lại vị ngon ngọt và mùi hương đặc biệt mà các loại mơ ở vùng khác như Hòa Bình không có được” - chị Hiền chia sẻ.