Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng đối tượng giảm thuế VAT: Đảm bảo công bằng, không phải cào bằng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thực tế, vướng mắc của doanh nghiệp khi áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính, nên vẫn có thể khắc phục được. Vì vậy, không nên chỉ vì vướng mắc thủ tục hành chính mà vi phạm quy tắc công bằng và gây thất thu ngân sách.

Đây là chia sẻ của chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín với Báo Kinh tế & Đô thị xung quanh kiến nghị mở rộng thêm đối tượng giảm thuế VAT.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín.
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín.

Vướng ở thủ tục hành chính

Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), ông đánh giá ra sao về động thái này?

- Tôi đánh giá cao đề xuất của Bộ Tài chính về chính sách giảm thuế VAT 2% của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024. Đề xuất này đã thể hiện tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm và kịp thời trên tinh thần kế thừa và phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa phục vụ mục tiêu điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế đã đạt được trong những năm qua. Sự khẩn trương và trách nhiệm của Bộ Tài chính lần này đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình xem xét, thẩm định và thông qua chính sách được nhanh nhất và kịp thời nhất từ đó cộng đồng doanh nghiệp và người dân sớm được thu hưởng làm cho hiệu quả của chính sách càng được phát huy tốt nhất.

Đặc biệt đề xuất giảm thuế VAT 2% cho 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu trọng tâm là đồng hành và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tiếp tục ổn định đời sống, ổn định sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trước bối cảnh kinh tế thế giới cũng như khu vực và Việt Nam có nhiều khó khăn, biến động.

Quan sát hiệu quả của chính sách tài khóa nói chung và chính sách giảm thuế VAT 2% nói riêng trong những năm qua có thể khẳng định rằng hiệu quả của chính sách này là không nhỏ và nó có tác động đa chiều tới nền kinh tế cũng như người dân, doanh nghiệp và thu ngân sách nhà nước.

Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, việc áp dụng giảm 2% thuế VAT vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mã sản phẩm. Do đó, có cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nên áp dụng giảm thuế 100% nhóm hàng hóa, dịch vụ để tạo thuận lợi hơn? Ông có ý kiến gì về đề xuất này?

- Quan điểm của tôi cho rằng, nếu có thể giảm thuế VAT cho 100% hàng hóa, dịch vụ là rất tốt, vì chính sách tác động đa chiều, các bên cùng hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng phải đặt lên bàn cân so sánh giữa lợi ích mang lại và tác động tới cán cân thu chi Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính phải tính toán nếu giảm hết mặt hàng thì ngân sách thâm hụt bao nhiêu, liệu ngân sách có chống chọi được trong giai đoạn tiếp theo không.

Cùng với đó, cần đối chiếu ngược lại xem những nhóm hàng hóa đang không thuộc đối tượng được giảm 2% thuế VAT có thực sự khó khăn đến mức phải giảm thuế không. Vì chính sách này ban hành ra là để hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn có điều kiện vực dậy, việc giảm thuế VAT 2% là để đảm bảo sự công bằng, chứ không phải sự cào bằng.

Xét cho cùng, vướng mắc của doanh nghiệp chỉ về thủ tục hành chính, nên vẫn có thể khắc phục được. Vì vậy, không nên chỉ vì vướng mắc thủ tục hành chính mà chúng ta vi phạm quy tắc công bằng và gây thất thu ngân sách.

Trên thực tế, đề xuất của Bộ Tài chính đã dựa trên sự đo lường, cân đối kỹ lưỡng từ trước, bảo đảm mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm các nhiệm vụ tài chính, ngân sách đề ra. Nếu muốn bổ sung thêm các nhóm ngành khác vào đối tượng giảm thuế, cần phải nghiên cứu đánh giá tác động, xin ý kiến của nhiều bên mới thực hiện được, do vậy sẽ không kịp dự thảo trình Quốc hội, khi đó sẽ ảnh hưởng đến bài toán chung. Trong bối cảnh hiện nay để nhanh gọn nhất vẫn nên giảm theo phương án của Bộ Tài chính là phù hợp, an toàn nhất.

Giảm thuế VAT giúp kích cầu tiêu dùng.
Giảm thuế VAT giúp kích cầu tiêu dùng.

Hướng dẫn chi tiết, cụ thể, không sợ trách nhiệm

Cũng như nhận định của ông, thực tế những vướng mắc trong thời gian qua của doanh nghiệp khi áp dụng giảm 2% thuế VAT chủ yếu do thủ tục hành chính. Vậy, ông có khuyến nghị gì để tháo gỡ những vướng mắc đó?

- Tôi thừa nhận, nếu không giảm thuế hết các mặt hàng sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mã ngành. Tuy nhiên, cái gốc vấn đề không phải vướng ở mã ngành thuế mà là việc xác định ngành nghề đăng ký kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp cũng gặp vướng mắc khi xác định mã ngành đăng ký kinh doanh do có sự mập mờ ranh giới giữa các ngành nghề. Chính vì vậy rơi vào tình trạng không xác định được mình thuộc đối tượng nào, nên không xác định đượng đối tượng nộp thuế. Do đó, doanh nghiệp cần phải có tìm hiểu kỹ hơn về ngành nghề, mã sản phẩm khi đăng ký kinh doanh, chứ không chỉ trông chờ vào thuế.

Đối với cơ quan thuế, khi đưa ra Nghị định hướng dẫn phải rõ ràng, minh bạch, cụ thể, chi tiết hơn. Hiện nay phương pháp tiếp cận trên mã hàng hóa dịch vụ đang khá hợp lý. Trong thời gian tới, Chính phủ nên giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn bằng thông tư hoặc trả lời trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nên giao cho cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, cơ quan đó có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp đúng thủ tục hành chính, đúng pháp luật, không nên quá an toàn, hoặc đùn đẩy cho doanh nghiệp. Cùng với đó, nên trưng cầu ý kiến các chuyên gia, trên cơ sở tổng hợp ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp, để ban hành một thông báo chung cho các địa phương cùng thực hiện.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thời gian giảm thuế sẽ chỉ áp dụng trong 6 tháng (từ 1/1 đến 30/6/2024), nhiều doanh nghiệp có kiến nghị kéo dài thêm thời gian hỗ trợ đến hết năm 2024. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Thời gian mà Bộ Tài chính đưa ra là đã được tính toán, cân nhắc thận trọng, vừa bảo đảm mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vừa bảo đảm các nhiệm vụ tài chính, ngân sách đề ra. Theo ước tính, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu Ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Thực tế, sau 3 năm hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ lên tới 700.000 tỷ. Nếu tiếp tục giảm thuế đến hết năm 2024 thì ngân sách sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian từ nay tới tháng 6/2024 còn khá dài, phục hồi kinh tế được dự báo có thể gặp khó khăn, nhưng cũng có thể phục hồi trở lại. Do đó, để thận trọng, quan điểm của tôi cho rằng tạm thời vẫn để giảm thuế 6 tháng và bỏ ngỏ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong trường hợp, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, lúc đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết theo thủ tục rút gọn. Như vậy sẽ thận trọng được việc ngân sách không bị thâm hụt nếu như nền kinh tế phục hồi trở lại, mà vẫn có thể ứng phó kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nếu cần thiết phải giảm thuế.

Xin cảm ơn ông!