Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng quỹ đất làm nhà ở thương mại: lo ngại đầu cơ, sốt giá đất

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ lo ngại cơn sốt giá đất sẽ lây lan nếu mở rộng quỹ đất làm nhà ở thương mại.

Giá đất đang sốt, tăng phi mã

Ngày 13/11, thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho hay, giá đất đang sốt, tăng phi mã, nhất là sau các phiên đấu giá ở các huyện ven đô và chưa có giải pháp kiểm soát.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồng Thái
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) thảo luận tại tổ. Ảnh: Hồng Thái

Trường hợp thí điểm cho phép mở rộng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp (thương mại, dịch vụ...) làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy bày tỏ lo ngại cơn sốt giá đất sẽ lây lan, tạo rào cản cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, tiếp cận nguồn lực đất đai.

“Trường hợp tổ chức, cá nhân mua gom để chuyển thành nhà ở thương mại, giá đất sẽ tăng, tiếp cận đất đai càng khó khăn hơn. Do đó chỉ nên thí điểm ở đô thị lớn, đang có nhu cầu cao về nhà ở như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ ngày 13/11. Ảnh: Hồng Thái
Các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ ngày 13/11. Ảnh: Hồng Thái

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) bày tỏ lo lắng nếu thí điểm không hiệu quả sẽ dẫn tới tình trạng đất đai trục lợi, đầu cơ và tích tụ đất đai. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá bất động sản.

“Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là các thành phố lớn hoặc những địa phương có nhiều dự án vướng mắc, cần ưu tiên các dự án phù hợp với nhu cầu thực tế. Cùng đó, thủ tục cũng phải đơn giản, tránh phát sinh cơ chế xin - cho gây khó khăn cho nhà đầu tư" - đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thí điểm chính sách này sẽ có tác động lan tỏa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thí điểm chính sách này sẽ có tác động lan tỏa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung hình thức tiếp cận đất đai trong làm nhà ở thương mại

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thí điểm chính sách này sẽ có tác động lan tỏa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nhà ở thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, góp phần giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho Nhân dân.

Giải trình tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII "về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện qua đấu giá quyền sử dụng và đấu thầu. Vì thế, hình thức nhận chuyển quyền hoặc chuyển mục đích với đất đang sử dụng là hình thức bổ sung và Chính phủ đề xuất tối đa 30% diện tích đất theo phương thức này. 70% diện tích còn lại dự án phải thực hiện qua đấu thầu, đấu giá theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Bản chất việc thí điểm mở rộng đất lần này là để bổ sung hình thức tiếp cận đất đai trong làm nhà ở thương mại.

Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quochoi.vn

Trước lo ngại của các đại biểu việc chồng chéo với Luật Đất đai 2024, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho hay, Chính phủ đã thiết kế thêm điều khoản tránh việc trùng lặp này tại dự thảo nghị quyết. Tức là, trường hợp nào đã được điều chỉnh bởi Luật Đất đai 2024 thì loại trừ phạm vi điều chỉnh bởi nghị quyết này.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào ngày 21/11, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8.