Mở rộng và tăng cường vị thế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít ngày sau khi đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thực hiện chuyến công du tới 6 nước châu Âu kéo dài 10 ngày (29/4 - 8/5) nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia tại lục địa già và mở rộng vai trò của Tokyo trên trường quốc tế.

Thúc đẩy hợp tác về kinh tế

Với các chặng dừng chân là Đức, Bỉ, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cùng chương trình nghị sự dày đặc cho thấy, thúc đẩy hợp tác về kinh tế là mục tiêu hàng đầu của ông Abe khi tới châu Âu, nhất là trong bối cảnh Mỹ - Nhật chưa đạt được bước đột phá trong đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định tự do thương mại (FTA) đã phát triển theo chiều hướng tích cực và hai bên có thể sẽ hoàn tất FTA trước khi đạt được TPP.

 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và người đồng cấp David Cameron tại buổi gặp. Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và người đồng cấp David Cameron tại buổi gặp. Ảnh: AP
Nếu FTA Nhật Bản - EU được ký kết sẽ chiếm tới 40% tổng khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu. Vì thế, không quá khi nói rằng, chuyến công du của ông Abe lần này nhằm tìm kiếm một sự đảm bảo cho thành công của hợp tác về kinh tế với châu Âu.

Mở rộng hợp tác an ninh

Theo nhiều chuyên gia, đến châu Âu trong chuyến công du lần này, ông Abe không chỉ muốn tìm kiếm cơ hội hiện thực hóa chính sách kích thích kinh tế mang tên Abenomics, mà còn muốn mở rộng hợp tác an ninh với châu lục này. Trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, ông Abe phải tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Âu với việc thay đổi hiến pháp của Nhật Bản theo hướng cho phép nước này thực hiện các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ. Trước đó, ông Abe đã đưa ra một khái niệm mới là "chủ nghĩa hòa bình tích cực" nhằm giải thích cho việc Nhật Bản muốn tăng cường các hoạt động quân sự và nới lỏng các ràng buộc về quân sự theo hiến pháp hiện hành.

Với quyết định cho phép xuất khẩu vũ khí được đưa ra hồi tháng trước, mối quan hệ hợp tác quân sự quốc phòng của Tokyo sẽ được đa dạng hóa. Thay vì chỉ hợp tác với Mỹ như trước, Nhật Bản có thể "bắt tay" với hầu hết các nước thuộc EU. Từ đầu năm nay, Nhật Bản và EU đã bắt đầu hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực quân sự về công nghệ nano, công nghệ robot và an ninh mạng; hợp tác về quốc phòng như sản xuất trực thăng thế hệ mới, tàu ngầm không người lái, tàu ngầm.

Kể khi nhậm chức Thủ tướng hồi tháng 12/2012, ông Abe đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài nhằm tìm kiếm và tăng cường vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế. Người dân Nhật Bản kỳ vọng, trong chuyến công du lần này, ông Abe sẽ tìm được sự ủng hộ của EU về chiến lược an ninh mới của Tokyo. Đồng thời, thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư từ lục địa già nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Nhật Bản hiện đang gặp nhiều khó khăn kể từ khi áp dụng việc áp dụng tăng thuế tiêu thụ hồi đầu tháng 4.
Ngày 6/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới đại bản doanh của NATO tại Brussel (Bỉ) và ngày 7/5 sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU nhằm khởi động đối thoại giữa hai bên về tăng cường an ninh mạng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần