Mơ về tương lai xa cho múa cổ Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội vừa có cuộc hội bàn nhìn lại 15 năm bắt đầu dự án nghiên cứu và bảo tồn múa cổ Thăng Long – Hà Nội.

Cũng từ đây, các nhà nghiên cứu nghĩ tới một tương lai xa hơn cho những điệu múa ông cha để lại.

Cổ thế nào?

Trước năm 2000, nhiều người cho rằng vùng đất Thăng Long – Hà Nội chỉ giàu có về giá trị di sản vật thể, nghệ thuật múa cổ mờ nhạt trong một số lễ hội. Thế nhưng, sau những chuyến điền dã đầu tiên năm 2000, thành viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã tìm lại được một kho báu di sản múa cổ của Thủ đô. Nếu như năm 2010, dự án sưu tầm và bảo tồn múa cổ Thăng Long - Hà Nội chỉ "gom" được gần 80 điệu múa; thì nay con số này đã lên đến 100 với các hình thái: múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo, múa sinh hoạt…
Tiết mục múa “Giáo long” của làng Lệ Mật, huyện Gia Lâm được trình diễn tại vườn hoa Lý Thái Tổ. 	Ảnh: Thanh Hải
Tiết mục múa “Giáo long” của làng Lệ Mật, huyện Gia Lâm được trình diễn tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: Thanh Hải
Không khó để nhận ra giá trị đặc sắc của điệu múa Đèn trong Lễ hội đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng). Điệu múa được thể hiện bằng hình thức tay cầm đèn, xếp hàng đôi, nhịp bước lên xuống uyển chuyển. Nữ giới tham gia múa đan chéo hàng, lúc nhập một hàng, lúc tách đôi hòa theo tiếng trống bập bùng. Hay Lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), thờ ông Tổ nghề làm quai thao Vũ Uy có điệu múa “Con đĩ đánh bồng” do các chàng trai chưa vợ ăn vận giả gái thể hiện nhiều vũ điệu tinh nghịch và vui mắt…

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tâm huyết với Hà Nội chỉ biết trân trọng gọi đó là điệu múa cổ. Thế nhưng, cổ như thế nào, có từ bao giờ thì chưa ai trả lời được. Theo NSND, biên đạo múa Ứng Duy Thịnh: “Múa cổ là sản phẩm của quá khứ cha ông ta để lại, nhưng cổ đến đâu chưa ai biết. Chính vì vậy, chúng ta rất thông cảm với những nghi ngại của một số người về giá trị cổ của từng điệu múa. Điều này càng đặt ra yêu cầu Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội không chỉ chăm lo sưu tầm mà cần xác định chính xác thời điểm ra đời của các điệu múa cổ. Xác định được thời điểm, nguồn gốc ra đời sẽ khẳng định thêm được giá trị xung quanh đó”.

Nỗi lo lai căng

Không gian diễn xướng chủ yếu của múa cổ Hà Nội là cung đình, lễ hội… Thế nhưng, trong cuộc sống xã hội hiện đại, bờ tre, bãi lúa, nơi có những lễ hội lớn ngày càng bị thu hẹp. Múa cổ Thăng Long vì thế cũng dần mai một. Có thời kỳ, múa cổ được diễn xướng trên sân khấu. Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Lê Thị Hồng Thắng cũng đưa ra quan điểm: “Chúng ta phải đặt múa cổ trở lại cái nơi mà loại hình, thể loại hoạt động văn hóa đã sinh ra nó, sau đó mới có thể di chuyển sang những hình thức sinh hoạt khác như biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp, biểu diễn kết hợp trong các chương trình ca nhạc... nhưng cũng chỉ là thử thôi. Sự dịch chuyển múa cổ sang môi trường khác, nếu không thận trọng sẽ biến điệu múa thành một sản phẩm “vô tính””.

NSND Ứng Duy Thịnh thì cảnh báo tình trạng lai căng của múa cổ: “Trong xã hội hiện đại không nên có bàn tay can thiệp của các nhà biên đạo hiện đại. Bởi như vậy các điệu múa cổ của Hà Nội chỉ là những điệu múa lai căng mà thôi. Múa dân gian không phải bất biến, nó có thể thay đổi theo thời cuộc nhưng phải bám chắc vào gốc rễ, tức là phong tục tập quán ở địa phương, chứ không phải sập sình của hip hop”.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích cũng đã nghĩ đến bước tiếp theo của dự án là làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận những điệu múa đặc sắc, có nhiều giá trị, tồn tại lâu đời bậc nhất… là di sản phi vật thể của nhân loại. Nhưng đó là câu chuyện về sau, nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội sẽ tiếp tục công tác sưu tầm, mở các cuộc hội thảo đánh giá giá trị của múa cổ Hà Nội so với múa cổ một số vùng miền khác của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần