MobiFone hướng tới miếng bánh tỷ đô

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang gây ra khốn đốn cho nhiều DN trong nước, MobiFone vẫn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu 2021. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này đến từ quá trình chuyển đổi số đang phát huy hiệu quả.

Ăn nên làm ra nhờ chuyển đổi số
Mặc dù vẫn chưa hết năm nhưng có thể khẳng định, 2021 là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với cộng đồng  nói chung do những ảnh hưởng dữ dội từ đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ là các DN “ăn nên làm ra” trong bối cảnh này, tiêu biểu là Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone.

Nhìn vào những số liệu thống kê 6 tháng đầu 2021, có thể thấy MobiFone đã đạt được kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu của nhà mạng này là 15.551 tỷ đồng, hoàn thành 51,8% kế hoạch năm, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó lợi nhuận trước thuế đạt 2.038 tỷ đồng, hoàn thành 41,5% kế hoạch năm, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Mobifone trên phố Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Quỳnh Anh
Để có những con số kinh doanh ấn tượng trên trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, “chìa khóa” của MobiFone nằm ở chuyển đổi số. Chính sự dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng của các sản phẩm công nghệ thông tin, dịch vụ số trong cơ cấu dịch vụ bên cạnh dịch vụ viễn thông truyền thống đã giúp nhà mạng này tăng trưởng. Điều này có thể thấy rõ trong 6 tháng đầu năm, doanh thu data của MobiFone đã tăng 14,8% và nhóm dịch vụ công nghệ thông tin - giá trị gia tăng - nội dung số tăng hơn 20%.

Với định hướng được xác định từ nhiều năm trở lại đây là chuyển đổi từ mô hình nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang công ty công nghệ, cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số và nội dung số. Công tác chuyển đổi số được nhà mạng tăng cường trên mọi lĩnh vực để nâng cao tính hiệu quả, tối ưu chi phí như chi phí bán hàng, chi phí thanh toán cước online, chi phí chăm sóc khách hàng, kênh phân phối/truyền thông online..

Từ đó khiến các giải pháp số, dịch vụ số và nội dung số của MobiFone có thể gia tăng lượng khách hàng mới ngay trong thời kỳ dịch bệnh, tiêu biểu như Nền tảng giáo dục trực tuyến MobiEdu, Giải pháp hội nghị trực tuyến MobiFone Meeting, Văn phòng điện tử MobiFone Eoffice, Hóa đơn điện tử MobiFone Invoice…

Sự nhanh nhạy trong kinh doanh khi xã hội có sự thay đổi của MobiFone có thể nhận thấy trong việc tung ra nền tảng giáo dục MobiEdu giữa thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường nhất. Nắm bắt được nhu cầu học trực tuyến của người dùng là rất lớn, đặc biệt là tại những thời điểm giãn cách, dịch vụ này đã cung cấp hàng loạt các giải pháp tiên tiến như khóa học trực tuyến video mSkill, trường học trực tuyến mSchool Cloud, công cụ ôn luyện và thi thử cho học sinh… đủ để thiết lập một trường học tương tự ngoài đời trên môi trường ảo.

Nhận thấy họp trực tuyến không chỉ là nhu cầu có tính thời điểm tại mùa dịch, mà đây còn là xu hướng phổ biến trong hoạt động của các DN ở tương lai, MobiFone đã cho ra đời giải pháp hội nghị trực tuyến nhằm đón đầu tập khách hàng lớn này. Với việc có thể hoạt động trên đa nền tảng từ điện thoại, laptop cho đến máy tính để bàn, thiết lập cầu truyền hình lên tới 500 điểm cùng hàng loạt ứng dụng công việc tiện lợi, hiện, MobiFone Meeting đang là nền tảng được sử dụng bởi nhiều DN trong nước.

Ngoài ra, dấu ấn của chuyển đổi số còn được nhận thấy rõ nét khi ngay trong giai đoạn nửa đầu 2021, MobiFone đã ra mắt sản phẩm ví điện tử MobiFone Pay, qua đó hoàn thiện hệ sinh thái số của mình. Đây cũng là cơ sở quan trọng để nhà mạng này sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money và dịch vụ trung gian thanh toán di động, một trong những mảng mang lại doanh thu lớn của các DN viễn thông trên thế giới.

Kỳ vọng doanh thu 1,5 tỷ USD

Trong buổi làm việc với MobiFone vào hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở ra cho nhà mạng này về nguồn doanh thu lên tới 1,5 tỷ USD trong quãng thời gian 5 năm tới. Và lời giải cho con số “khủng” này nằm ở chính 5G.

Theo đó, mặc dù MobiFone vẫn đang là một trong ba thương hiệu mạnh của viễn thông Việt Nam nhưng ở thời điểm hiện tại thách thức mà DN này phải đối mặt là làm sao để tiếp tục phát triển khi thị trường đang có dấu hiệu bão hòa. Đã tới lúc MobiFone cần kiến tạo không gian mới của riêng mình để phát triển thông dựa trên hạ tầng số, nền tảng số, công nghệ số.

"Thị trường có thể đạt tới 1% GDP Việt Nam, tức là 5 tỷ USD vào năm 2025. Phần khiêm tốn nhất mà MobiFone có thể dành cho mình là 5%, tương đương 250 triệu USD vào năm 2025. Nếu làm tốt 5G sẽ tạo ra tăng trưởng cho viễn thông 3% mỗi năm và 5 năm nữa sẽ mang lại cho MobiFone doanh thu thêm 1,5 tỷ USD", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng chỉ ra MobiFone cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng 5G, Cloud Computing, Platform, thương mại điện tử … để từ đó chuyển đổi thành công ty công nghệ số chứ không đơn thuần là một DN viễn thông như hiện tại. Trong tương lai gần, với việc được cấp giấy phép thử nghiệm Mobile Money, đây sẽ là nền tảng quan trọng cũng như cơ hội để giúp MobiFone thực hiện quá trình chuyển đổi trên.

Hiện, MobiFone cũng đang rất tích cực triển khai thử nghiệm 5G ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, qua đó tiến tới thương mại hóa trong thời gian tới. Cùng với đó nhiều gói cước thử nghiệm dịch vụ mạng mới này cũng đã được cung cấp tới người dùng.

Hiện tại, trải nghiệm 5G của MobiFone khá ấn tượng khi có tốc độ từ dao động từ 1,2Gpbs đến hơn 1,6Gbps. Với tốc độ này người dùng có thể sử dụng các dịch vụ internet mới như Video 8K, Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service, Robotics...

Đánh giá về cơ hội mà 5G mở ra cho MobiFone, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng khẳng định, công nghệ di động này là hướng đi bắt buộc và mang tính sống còn của nhà mạng trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ở mọi lĩnh vực.

Để chuyển đổi số được thành công thì hạ tầng là yếu tố quan trọng. Đặc biệt, Mobifone có thế mạnh về hạ tầng kết nối di động. Đây sẽ là cơ sở giúp MobiFone có lực đẩy tăng tốc phát triển dịch vụ 5G với quy mô thị trường rất lớn và đa dạng hóa nhu cầu ở mọi lĩnh vực trong đời sống.

Bên cạnh đó, ông Đồng cũng lưu ý, bài toán đặt ra là việc đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ cho công nghệ 5G cần đến chi phí rất lớn. Vì vậy, MobiFone cần có chiến lược phát triển hợp lý để cân đối giữa chi phí vận hành và các gói dịch vụ để đưa DN lớn mạnh trong tương lai.
Đánh giá về cơ hội mà 5G mở ra cho MobiFone, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng khẳng định công nghệ di động này là hướng đi bắt buộc và mang tính sống còn của nhà mạng trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ở mọi lĩnh vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần