Mộc miên thắp lửa ven đô

Khổng Hoàng Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 3, khi nắng chớm hanh hao xen lẫn tiết trời se lạnh, những bông hoa gạo từ từ “thức giấc”, lấp ló sau tòa nhà cao tầng, thắp lửa ở những làng ven đô Hà Nội làm đắm say lòng người.

 Chẳng biết tự bao giờ, hoa gạo (hay còn được gọi là mộc miên, hoa pơ – lang) lại có sức hút diệu kỳ đến nỗi ai ngang qua cũng muốn dừng chân chiêm ngưỡng. 
 Mộc miên gắn bó với người dân thôn quê Bắc Bộ, vùng ngoại thành Hà Nội hết sức thân thương như một trong những hình ảnh không thể tách rời: Cây đa, bến nước, sân đình. 
 Bởi thế, cứ mỗi độ cuối Xuân, du khách và dân nhiếp ảnh lại lục tục kéo nhau ra vùng ven đô, săn cho bằng được sắc thắm mộc miên.
 Nếu như rặng hoa gạo dưới chân núi Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ), khiến tâm hồn du khách lắng lại, tĩnh tâm; thì khung cảnh xung quanh chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) lại trở nên rộn ràng, thơ mộng hơn khi những bông gạo đỏ rực điểm tô trên nền trời, cây lá biếc xanh. 
 So với chùa Trầm, hoa gạo ở chùa Hương nhiều hơn, chúng được trồng thành dải dài theo dòng suối Yến. Mùa về, hàng cây gạo như chiếc lồng đèn tỏa sáng cả ngày lẫn đêm, nghiêng mình soi bóng dưới lòng suối. Hoa rơi rụng, lững lờ nhẹ trôi như chiếc thuyền chắp cánh cho bao ước mơ thơ trẻ mang đến cảm giác yên bình. 
 Đặc biệt, cây hoa gạo ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) dịp này cũng bung nở rực rỡ một góc trời.
 Mùa Gạo ở ngoại thành Hà Nội, tán cây như một lẵng hoa khổng lồ. 
 Điều thú vị là thân mộc miên xù xì, gân guốc, nhưng trái với sự thô nhám, cánh hoa lại mềm mại, mịn màng như nhung, mang một màu đỏ chói, xao xuyến đến nao lòng… 
 Điểm chung của hoa gạo vùng ngoại thành Hà Nội là thường được trồng cạnh sông, hồ, ao, thân cây cứ ngày một xù xì theo năm tháng. 
 Mỗi độ Đông về, chúng khiến ai đó man mác buồn khi cành cây cô đơn trụi lá giữa tiết trời lạnh giá. Rồi chợt bừng tỉnh, khoe sắc thắm khi Xuân sang và rực cháy lúc Hạ chạm ngõ. Những cánh hoa to, dày và đỏ thắm, dù đã rụng xuống vẫn diễm kiều, tươi dòn, màu hoa vẫn thắm khiến lữ khách ghé qua phải ngẩn ngơ mà ngắm nhìn đến quên ngày tháng, không nỡ làm đau chúng. 
  Phải một tuần, cánh hoa mới tách ra, quặn khô và là lúc hoa hòa vào đất.
 Hoa gạo có sức chống mạnh liệt. Thân cây vạm vỡ như chàng lực điền ưỡn ngực che đỡ những cơn mưa xối xả và cái nắng bỏng rát mặt đường. 
 Mùa hè lửa đốt, cây cối nhiều loài cháy xém nhưng nó vẫn xanh ngời, tán nào tán nấy um tùm mướt mát.
 Mùa đông sương buốt giá, trong khi mọi vật co mình vì lạnh thì nó trút sạch lá đứng phong phanh giữa đồng suốt mấy tháng trời và chỉ cần có mưa xuân tức khắc trên thân nhánh bắt đầu ló ra vô vàn nụ xanh, rồi hoa trổ mãnh liệt, những chùm đỏ lựng nhanh chóng đơm đầy cành. 
 Để rồi, dưới những bông gạo chói lòa như lửa, các ngả đường đều trở nên lộng lẫy, rực rỡ, hân hoan. Đóa hoa chót vót chỉ rụng xuống lúc cuối ngày hay khi gió giật. Từ trên cao xoay tròn như cái chong chóng rơi xuống bồm bộp. 
 Mùa thu lá vàng rụng tả tơi, quả gạo khi còn trên cây đã tự nứt vỏ xổ ra từng cuộn xơ rối màu trắng bay theo gió. 
 Hoa gạo có vị ngọt, cánh giòn, khi hoa vừa mới rụng, nếu đưa vào miệng, lữ khách sẽ thưởng thức được hương vị hồn quê đầy giản dị như chính cách mà chúng đã và đang làm rung động lòng người. 
 Mộc mạc, tinh khiết, hoa gạo khiến bao thi sĩ “chẳng hiểu nổi mình” mà si mê “nàng” đến ngây lòng: “Anh làm sao quên được những con đường/ Lá vàng rơi trên cỏ/ Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ”. Hay chợt hiện lên trong vô thức ở những câu hát nằm lòng: “Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo. Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh”…  
 Ai cũng yêu hoa gạo bởi vẻ đẹp hiền dịu, chân tình. Hoa cứ lặng lẽ một góc trời không mời gọi mà thành níu kéo bao ánh mắt kẻ si tình cùng bao cánh chim trời, ong bướm.