Bất cập từ thực tế
Anh Nguyễn Văn Hậu – một môi giới BĐS hoạt động tại khu vực tỉnh Hải Dương cho biết, anh làm nghề môi giới BĐS được hơn 5 năm, trong suốt quãng thời gian làm việc cho các DN môi giới BĐS anh chưa từng tham dự các kỳ thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề, bởi thời gian qua pháp luật không quy định bắt buộc người hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ.
“Tuy nhiên, từ 1/8/2024 khi Luật Kinh doanh BĐS 2023 chính thức có hiệu lực thi hành, đã có quy định 100% môi giới hoạt động trong lĩnh vực BĐS phải có chứng chỉ hành nghề. Vì vậy hiện nay tôi đang phải tạm thời gác lại công việc để tập trung tham gia các khóa đào tạo để thị sát hạch cấp chứng chỉ” – anh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
Trường hợp của anh Nguyễn Văn Hậu chỉ là một trong số hàng vạn người đang hành nghề môi giới BĐS nhưng chưa từng trải qua các kỳ thi sát hạch và chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề môi giới BĐS. Vì theo số liệu liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, hiện nay cả nước đang có khoảng trên 400.000 người hoạt động trong chuyên nghiệp lĩnh vực môi giới BĐS, tuy nhiên số lượng người đã được cấp chứng chỉ hành nghề chiếm số lượng rất ít, khoảng 10%.
“Đáng nói, số lượng người có chứng chỉ hành nghề thấp hơn nhiều so với số lượng người đang hoạt động, lý do không phải là những người này trốn tránh việc đào tạo để được thi sát hạch, cấp chứng chỉ việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Trần Văn Bình cho hay.
Cũng theo ông Trần Văn Bình, trước yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, nên thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng chương trình không đồng đều; Các khóa học chất lượng không đảm bảo được tổ chức "ngang nhiên" bởi công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề, điều hành sàn giao dịch BĐS còn lỏng lẻo.
Cùng với đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về xây dựng, mặc dù có hiệu lực từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề.
“Đáng quan ngại là hiện nay, rất nhiều môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch nhưng phải chờ đợi lâu để có cơ hội dự thi. Điều này gây khó khăn cho những người đang hành nghề hoặc muốn nhanh chóng được cấp chứng chỉ” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Trần Văn Bình cho biết thêm.
Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện văn bản luật
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính, đến thời điểm hiện tại, Luật Kinh doanh BĐS mới đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng vẫn chưa có bất kỳ địa phương nào công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch. Bởi theo quy định mới, trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ được chuyển sang UBND các tỉnh, TP mà không có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nhiều khả năng môi giới vẫn tiếp tục khó tiếp cận chứng chỉ bởi các địa phương vẫn "e ngại", chưa sẵn sàng thực thi.
“Để các kỳ thi sớm được tổ chức với chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS theo quy định trước đó, có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ. UBND cấp tỉnh sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này” – TS Nguyễn Văn Đính cho hay.
Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, hiện nay việc giám sát hoạt động môi giới chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều môi giới không quan trọng việc học và thi lấy chứng chỉ. Thậm chí dù có chứng chỉ nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm thực tế, hoặc hành nghề không đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Do đó, ngoài việc thi hành quy định cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin vì phạm. Nhà nước cần nâng cao công tác hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ, có cơ chế giám sát hoạt động của môi giới nhằm đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp. Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát của cả điều kiện cần - hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề.
“Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và công khai danh sách các cơ sở đào tạo đủ điều kiện. Đảm bảo điều kiện cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và có quy trình đào tạo giảng viên đạt chuẩn. Đồng thời có các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những cá nhân hoặc đơn vị tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ quy định” – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính kiến nghị.