KTĐT - Ngồi chơi dài, lương kinh doanh bị cắt, nguy cơ mất việc treo lơ lửng… là tình trạng xảy ra với bộ phận môi giới của nhiều công ty chứng khoán.
Đầu năm 2010, môi giới chứng khoán là một nghề hot dành cho các bạn trẻ. Chỉ mới làm hơn một năm, một số bạn trẻ 8x đã có biệt thự, xe hơi khủng và nhiều tỷ đồng trong ngân hàng. Chỉ riêng mức phí được chia hằng tháng với công ty chứng khoán, nhiều môi giới đã được lĩnh số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, tình hình đã thay đổi trong vài tháng gần đây. Cùng với sự tụt dốc thê thảm của thị trường chứng khoán, nhiều khách hàng VIP tạm ngừng giao dịch, sóng cổ phiếu ít. Giá trị giao dịch mỗi phiên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM chỉ còn trung bình 600-700 tỷ đồng, chưa bằng 50% so với lúc cao điểm của năm 2010. Điều này dẫn tới thu nhập của các môi giới chứng khoán giảm nghiêm trọng cả về phí cũng như lợi nhuận từ đầu tư.
Thu – môi giới VIP của một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, mấy tháng gần đây, phí tối thiểu thu từ khách hàng của cô không đạt chỉ tiêu, lương cứng bị trừ. Đối với nhiều nhân viên môi giới hưởng lương cố định , phần lương kinh doanh cũng không còn. “Trong ngành chứng khoán, nếu không có lương kinh doanh, thu nhập cứng còn lại của nhân viên là khá thấp so với ngành tài chính nói chung”, Thu tiết lộ.
Nhân viên này cho biết, nếu mặt bằng của các ngân hàng là trên 5 triệu đồng lúc khởi điểm thì một nhân viên cứng ngành chứng khoán, có kinh nghiệm vài năm ở một công ty cỡ vừa cũng chỉ tương đương. Với người mới vào, lương chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng và đang có nguy cơ bị cắt bớt.
Nguyễn Hùng, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán có trụ sở tại TP HCM tâm sự, năm 2008, làn sóng sa thải lan khắp nơi khi thị trường khủng hoảng. Đầu năm nay, nguy cơ này đang quay trở lại khi tình trạng môi giới “ngồi chơi xơi nước” đang diễn ra tại hầu hết các công ty. Doanh thu từ môi giới không đáng kể, tư vấn thì không có hợp đồng do ít công ty có thể phát hành vào thời điểm hiện tại, các công ty chứng khoán đang thấy “bóng ma” của khủng hoảng 2008.
Anh bộc bạch: “Các ngành khác thấy nhộn nhịp tăng lương để bù đắp trượt giá, còn mình chỉ mong giữ được chỗ làm và lương hiện tại là còn may. Giờ công ty đang khó khăn thế này, đòi hỏi những việc khác là không tưởng”.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn nói vui: “Ngành này hơi ngược đời với xã hội. Người ta thì lo tăng giá, còn mình thì lo giảm; người ta tăng lương thì mình giảm người làm…”. Ông này cho biết, những công ty lớn sẽ phải tái cơ cấu lại bộ phận môi giới hoặc giảm bớt nhân sự để tiết kiệm chi phí.
Lãnh đạo một công ty tại Hà Nội tiết lộ, sẽ áp dụng chính sách khoán cho bộ phận môi giới sau một thời gian dài không thực hiện. Nguồn tin từ một công ty chứng khoán cỡ vừa cho biết, họ đang cân nhắc việc cơ cấu lại bộ phận môi giới với việc chỉ để một phần nhỏ nhân viên hưởng lương cứng, còn lại chuyển sang vận hành theo doanh thu. Nếu thị trường xuống dốc như hiện nay thì công ty sẽ không phải trả lương hoặc trả rất thấp.
Chị Hương, vừa tới làm tại một công ty chứng khoán mới than thở: “Suốt ngày ngồi vêu mặt, chẳng có việc gì làm, đi mời khách hàng thì bị đuổi như tà bởi họ cũng đang lỗ nặng. Nhận lương cũng thấy chán mà chưa biết làm thế nào với tình cảnh hiện nay”.