Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mới hội nhập ATIGA 8 tháng, doanh nghiệp mía đường đã “kêu trời”

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam 0% theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mía, đường của nhiều DN đã chật vật lại càng thêm khó khăn.

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới” do báo Nhân Dân điện tử tổ chức ngày 16/9, nhiều DN mía đường cho biết, mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam 0% theo cam kết tại Hiệp định ATIGA từ ngày 1/1/2020, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ mía, đường đã chật vật lại càng thêm khó khăn.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo báo cáo Hiệp Hội Mía đường Việt Nam (VSSA), do tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, đã có 1/3 nhà máy đường phải đóng cửa và nhiều DN khác đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có nguồn tiền để trang trải chi phí sản xuất, thanh toán tiền mía cho nông dân cũng như chi trả tiền lương cho người lao động.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao. “Hiện, ngành đường Thái Lan đang được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy, giá đường trong nước không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu từ Thái Lan” - Tổng Thư ký VSSA Nguyễn Văn Lộc cho hay.

Đáng nói, giá đường thấp đã làm cho giá mía tụt giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng nguyên liệu cũng như thu nhập của nông dân. Hiện, nhiều DN đã tăng giá thu mua mía lên 800.000 - 850.0000 đồng/tấn nhằm khuyến khích nông dân giữ diện tích mía cho vụ tới. Tuy nhiên, việc tăng giá nguyên liệu kéo theo hệ lụy là chi phí sản xuất tăng cao. Ước tính, giá thành trung bình sản xuất một kg đường trắng của Việt Nam trong niên vụ 2019 - 2020 sẽ tăng thêm 1.000-2.000 đồng/kg so với ước tính từ đầu vụ.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn Lê Văn Tam chia sẻ, do lượng đường thế giới dư thừa, giá đường thấp hơn giá thành, đường sản xuất không tiêu thụ được, tồn kho lớn, dòng tiền không được lưu thông, trong khi ngân hàng hạn chế định mức cho vay. Cùng với việc Hiệp định ATIGA có hiệu lực, đường nhập lậu “tung hoành” làm cho ngành mía đường trong nước đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT TTC Sugar Phạm Hồng Dương lại bày tỏ lo lắng bởi trước khi hội nhập ATIGA Việt Nam có 41 nhà máy, với diện tích trồng mía khoảng 300.000ha. Sau khi ATIGA có hiệu lực, hiện chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy buộc phải đóng cửa. Trong 30 nhà máy đang hoạt động cũng chỉ có 13 nhà máy có hiệu quả, 17 nhà đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2017 - 2019, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu chính ngạch khoảng 200.000 - 400.000 tấn/năm, bao gồm cả đường thô và đường tinh luyện. Tuy nhiên, thống kê 7 tháng năm 2020, kể từ khi ATIGA có hiệu lực, nhập khẩu đường chính ngạch vào Việt Nam đã đạt 820.000 tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2019, chủ yếu là đường Thái Lan.

Theo Tổ chức mía đường thế giới (ISO), thị trường đường thế giới và tình hình sản lượng vụ 2019-2020 cho thấy mức tiêu thụ đường toàn cầu trong niên vụ không bị thiếu hụt nhiều như các năm do nhu cầu tiêu thụ đường của toàn thế giới đã bị chững lại bởi tác động của dịch Covid-19, trong khi đó sản lượng sản xuất đường của Brazil tăng (nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới).

Dự kiến, trong niên vụ mới (2020 - 2021), mức thiếu hụt đường chỉ còn khoảng hơn 700.000 tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo ban đầu. Đầu năm 2020, các chuyên gia dự báo mức thiếu hụt đươc sẽ lớn nhất trong 11 năm qua.

Việt Nam là một trong những sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Về sản xuất, năng lực trung bình của Việt Nam sản xuất hàng năm trung bình từ 1 - 1,3 triệu tấn đường, trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp sử dụng và sản xuất chế biến khoảng 2 triệu tấn/năm.

Về sản lượng sản xuất, so với các nước trong khu vực châu Á và ASEAN, sản lượng sản xuất đường trung bình hàng năm của Việt Nam đứng thứ 6 sau các nước: Trung Quốc (10 triệu tấn), Thái Lan (8 - 9 triệu tấn), Australia (4 triệu tấn), Indonesia (2 triệu tấn) và Philippines (2 triệu tấn).

Về tiêu thụ của các nước, riêng Trung Quốc (tiêu thụ 14 triệu tấn/năm) và Indonesia (7,5 triệu tấn/năm) luôn đứng đầu về lượng đường tiêu dùng nội địa, nguồn sản xuất trong nước không đáp ứng đủ và phải nhập khẩu sản lượng đường lớn từ các nước.

Thái Lan và Australia là 2 nước xuất khẩu đường lớn nhất trong khu vực, trung bình Thái Lan xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn đường mỗi năm. Việt Nam, Indonesia, Philippines là các nước nhập khẩu đường lớn từ Thái Lan.