Mối lo nợ nước ngoài

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nợ vay nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh dù đã có nhiều khuyến cáo về việc vay nợ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, an ninh tài chính quốc gia... Vay vốn nước ngoài có thể vượt trần, đe dọa an toàn nợ công.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài đã vượt giới hạn cho phép
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên đề kiểm toán nợ công vừa công bố, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt nam là 2,868 triệu tỷ đồng, tăng 12% (thêm 5.000 tỷ đồng) so với 2015 bằng 63,7% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ là 2,37 triệu tỷ đồng (chiếm gần 83%). Trong tổng nợ vay của Chính phủ, dư nợ nước ngoài là 947.494 tỷ đồng, chiếm 39,8%. Tuy nhiên, cơ cấu này có thể không đứng vững trong năm 2016 và cả những năm tiếp theo. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nợ nước ngoài tăng 6,5 lần sau 14 năm, đe dọa đến nợ công. “Áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận và cho rằng, một phần nguyên nhân là do quản lý vốn vay thời gian qua bất cập, phát sinh rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay Chính phủ hay bảo lãnh...
 Vay nợ nước ngoài của Việt Nam ngày một tăng cao. Ảnh: Phạm Hùng 
Trong báo cáo tình hình nợ công năm 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch 2018 gửi đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến năm 2018, nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách T.Ư là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng, dư nợ công cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép (dưới 50%).

Tuy vậy, Chính phủ cho biết, việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn một số điểm cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và lưu ý. Thứ nhất, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục tăng lên. Thứ hai, dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao, nghĩa vụ trả nợ năm 2016 bằng 14% tổng thu NSNN, tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu NSNN. Chính phủ lo ngại với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài ở mức tối đa 300.000 tỷ đồng như kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ khó khăn, như tạo sức ép lên trần nợ và nghĩa vụ trả nợ của NSNN.

"Để quản lý nợ công an toàn, hiệu quả, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho NSNN và đầu tư phát triển; thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; kiểm soát chặt các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép..." - TS  Lưu Bích Hồ


"Mặc dù thâm hụt ngân sách năm vừa qua vẫn giữ ở mức Quốc hội giao, song chi vẫn vượt dự toán. Thực trạng thu không đủ chi nên đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. Điều này lại dẫn đến làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN." - TS  Vũ Đình Ánh

Thứ ba, lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên (thậm chí có khoản vay có lãi suất lên tới 4,5%/năm), làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ. Thứ tư, việc kiểm soát chi phí các hạng mục sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ. Thứ năm, dư nợ nước ngoài tăng đáng kể chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các DN tăng mạnh. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 29,7%, vượt giới hạn cho phép (25%).

Mấu chốt nợ doanh nghiệp nhà nước

KTNN cũng chỉ ra, nợ Chính phủ (nợ nước ngoài) điều chỉnh chênh 4.966 tỷ đồng do một số dự án chưa kịp thời ghi nhận rút vốn. Trong số dư nợ nước ngoài của Chính phủ thì dư nợ các khoản Chính phủ cho vay lại đối với các khách hàng, dự án là gần 316.000 tỷ đồng. Có 60 dự án chuyển nợ quá hạn gồm cả gốc, lãi, phí, tương đương với 10.556 tỷ đồng (hơn 470 triệu USD), chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại. "Nợ nước ngoài quá hạn của Chính phủ chủ yếu là tồn đọng từ giai đoạn trước và do Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho DNNN vay nợ, trở thành gánh nặng của Chính phủ. Trước đây việc bảo lãnh tương đối dễ dàng, trong khi việc xem xét hiệu quả dự án không đến nơi đến chốn, hệ quả là nợ quá hạn lớn" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá.

Phần lớn các khoản vay được Chính phủ vay về rồi cho vay lại hoặc đứng ra bảo lãnh cho một số DN lớn vay. Đặc biệt, đây chủ yếu là những dự án được thực hiện khoảng 10 năm trước, thuộc các DNNN được Nhà nước bảo lãnh vay nợ, như Vinashin, Vinalines... Các DN này không trả được nợ và chuyển thành nợ Chính phủ.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất, khoảng 10% trong 5 năm qua. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Theo WB, bên cạnh cải thiện cơ cấu vay, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn, khoảng 50% nợ trong nước Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay.

Nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã được siết lại rất chặt để đảm bảo an toàn nợ công. Song nợ của DN tự vay tự trả lại khó kiểm soát hơn. Nếu không kiểm soát chặt thì việc chuyển các khoản nợ tự vay tự trả của DN thành nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN là rủi ro và hệ lụy lớn. Các khoản nợ đến hạn không trả được của các dự án xi măng, đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam, gang thép Thái Nguyên giai đoạn II… là những ví dụ cụ thể.