Mối lo từ các chợ đầu mối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng ngày 22/4, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành đối với các sản phẩm động vật tại 2 chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), điều mà phóng viên ghi nhận lại là việc đảm bảo VSATTP tại các chợ vẫn còn khá nhiều mối lo.

Khu bày bán mất vệ sinh

2 giờ 30 phút sáng, đoàn kiểm tra tốc hành xuất phát từ một địa điểm trên địa bàn quận Hà Đông. Phố phường chìm trong màn đêm tĩnh lặng, chỉ có chút thanh âm vang lại từ một vài tốp thợ đang thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Yên Nghĩa. Thế nhưng, xuống tới chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai), xé màn đêm yên ả là cảnh tượng buôn bán tấp nập của các tiểu thương. Hàng trăm quầy hàng ngồn ngộn những bao, túi rau, củ, quả được thương lái lần lượt dỡ ra sàn, mẹt bày bán. Phải tới khoảng 3 giờ 30 phút trở đi, các quầy hàng thịt lợn, thịt gà mới bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Tiếng mài dao xoen xoét, tiếng chặt xương bồm bộp xuống mặt phản từ hàng trăm quầy hàng hợp lại như một đại công trường.
Kiểm tra thú y đối với sản phẩm thịt tại chợ đầu mối Phùng Khoang. 	Ảnh: Quang Thiện
Kiểm tra thú y đối với sản phẩm thịt tại chợ đầu mối Phùng Khoang. Ảnh: Quang Thiện
Theo chân cán bộ của Chi cục Thú y Hà Nội đến kiểm tra nhiều quầy hàng, điều đáng ghi nhận ban đầu là tất cả các chủ quầy đều xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thịt. Sản phẩm thịt lợn, thịt gà được bày trên phản có lăn dấu kiểm dịch thú y. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, nhiều quầy bán thịt không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh do chất trên các kệ gần sát mặt đất. Thỉnh thoảng, cán bộ thú y cũng phải nhắc nhở hộ kinh doanh đặt lại thịt lên phản cao. Hơn nữa, phản thịt của các quầy đặt san sát nhau, có thể lây nhiễm vi sinh vật từ bàn này sang bàn kia. Dưới sàn chợ nhơ nhớp và ướt sũng. Đáng nói, hầu hết các quầy hàng bày bán ngoài trời, chỉ có bạt che nên không đảm bảo vệ sinh khi thời gian bán kéo dài tới tận trưa, nhất là mùa hè nắng nóng.

Theo Ban Quản lý chợ Đền Lừ, hoạt động của chợ kéo dài từ 1 – 2 giờ sáng đến 12 giờ trưa hàng ngày. Hiện trong chợ có khoảng 120 hộ kinh doanh thịt lợn, thịt gà với sản lượng trung bình từ 6 – 9 tấn/ngày. Mặc dù từ năm 2015, Ban Quản lý chợ đã triển khai cho các hộ kinh doanh ký cam kết kinh doanh sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, song trên thực tế vẫn phát hiện các trường hợp vi phạm. Riêng trong năm 2015 đã có 3 hộ vi phạm bị buộc phải cắt hợp đồng kinh doanh tại chợ. Ông Phạm Văn Vĩnh – Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hoàng Mai cho biết thêm, tuần trước, qua kiểm tra cũng phát hiện 3 hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh không đáp ứng yêu cầu, buộc phải tạm dừng kinh doanh.

Rời chợ Đền Lừ, chúng tôi về chợ Phùng Khoang vào lúc chuông đồng hồ điểm 4 giờ 30 phút sáng. Đúng với tên gọi chợ đầu mối, chợ Phùng Khoang cũng có tới hàng trăm quầy bán thịt gia súc, gia cầm bày la liệt những phản thịt đầy ăm ắp. Điểm cộng của chợ Phùng Khoang là các quầy hàng được đặt trong nhà có mái che, nhưng điều kiện vệ sinh cũng chưa thực sự đảm bảo, ngay cả bằng cái nhìn cảm quan. Nơi pha thịt đặt ngay dưới đất, cống rãnh nhớp nháp nước, thậm chí có hộ còn làm lòng ngay dưới mặt sàn. Ở một vài quầy, những chậu thịt xay to đùng đặt cạnh số thịt chưa pha. Bên cạnh đó, nhiều giẻ thấm máu thịt lẽ ra phải để riêng một chỗ nhưng thường được các chủ quầy “tiện tay” bỏ quên trên những dải thịt, gây mất vệ sinh.

Theo thống kê, hiện chợ Phùng Khoang có 150 quầy hàng kinh doanh thịt gia súc, gia cầm với khối lượng trung bình 9 tấn/ngày. Nếu theo đúng quy định, các hộ bán thịt phải có bàn pha chế thịt riêng và bàn để thịt bán riêng mới đảm bảo vệ sinh, tuy nhiên do chưa được trang bị đầy đủ, tư thương vẫn để chung dẫn tới nguy cơ mất ATTP.

Tuồn hàng kém chất lượng

Qua kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hầu hết sản phẩm thịt lợn được đưa về bán tại 2 chợ đầu mối Đền Lừ và Phùng Khoang lấy từ lò mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), còn gia cầm lấy từ chợ Hà Vỹ (Thường Tín) và Bình Đà (Thanh Oai); còn lại một phần nhỏ là thực phẩm từ các tỉnh, thành khác. Dù đa số thực phẩm đã được kiểm soát nguồn gốc, song theo một số cán bộ thú y, tình trạng bán hàng chui lủi, không rõ nguồn gốc vào chợ vẫn còn tồn tại. Ông Ngô Văn Khương – cán bộ thú y phường Trung Văn cho biết, có trường hợp thương lái xé lẻ lô hàng, xách tay vào chợ cất trong nhà để xe, lợi dụng khi không có mặt lực lượng chức năng thì mang ra bán. “Từ đầu năm đến nay, tại chợ Phùng Khoang đã bắt giữ và tiêu hủy gần 400kg thịt không rõ nguồn gốc, trong đó ngày cao điểm là tiêu hủy 193kg” – ông Khương cho hay. Ngay hồi giữa tháng 4, Ban Quản lý chợ đã cho tiêu hủy 104kg thịt của chủ hộ kinh doanh Khúc Xuân Duy do không có giấy kiểm dịch thú y.

Không chỉ thế, cánh thương lái còn rất nhiều mánh khóe để qua mặt lực lượng chức năng nhằm tiêu thụ các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vào chợ. Bà Nguyễn Thị Như Mai – cán bộ Trạm Thú y quận Nam Từ Liêm, một trong những người thường xuyên bám địa bàn chợ Phùng Khoang cho hay, chợ có tới 6 cửa mở thông suốt 24/24 giờ nên việc kiểm soát là không xuể. Thậm chí, theo một nguồn tin, khi lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát trong chợ, cánh tư thương bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, chủ yếu là thực phẩm đông lạnh còn chạy vào các ngõ ngách, khu dân cư buôn bán với thủ đoạn rất tinh vi. Bà Mai cho biết, mánh khóe của những đối tượng này là treo luôn hàng vào xe máy của khách mua rồi giao dịch bằng điện thoại. Rõ ràng, đây vẫn là những kẽ hở cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Để từng bước giải quyết vấn đề này và thiết thực triển khai Tháng hành động vì ATTP, hiện nay, các chợ đang triển khai cho các hộ kinh doanh ký cam kết buôn bán sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với lực lượng liên ngành tăng cường công tác kiểm tra các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các trạm thú y quận, huyện, thị xã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lấy thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ…